Sự kiện có sự tham gia của Đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Vụ Văn hóa-Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng các nhà văn, nhà thơ trong Ban chấp hành, các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong báo cáo tổng kết hoạt động văn học năm 2024 và phương hướng kế hoạch giai đoạn mới, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhấn mạnh: Năm 2024, năm cuối của nhiệm kỳ 10 (2020-2025) gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Đây cũng là giai đoạn đặc biệt đánh dấu những bước ngoặt lớn, là cơ hội cho các tổ chức phải chuyển mình, thay đổi.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã và đang tiếp tục có những đổi mới. Văn học cần hòa vào dòng chảy chung. Nếu không tư duy, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện thì hoàn toàn có thể bị bật ra, không có khả năng phát triển.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, công tác xét giải thưởng văn học và kết nạp hội viên năm 2024 ghi nhận cách làm việc hiệu quả, có trách nhiệm từ các hội đồng chuyên môn. Năm nay, tình hình sáng tác trên mặt bằng chung có nhiều tín hiệu tốt, nhiều tác phẩm nổi bật đủ khả năng xét giải thưởng, tất nhiên đó là trong năm. Điều đó sẽ càng ý nghĩa hơn nếu các tác phẩm có sức sống dài hơn nữa để bạn đọc liên tục nhìn nhận lại qua từng giai đoạn. Thực tế, nhiều giai đoạn văn học đã phát triển đến mức ấy. Giải thưởng năm nay hứa hẹn sự đa dạng, phong phú, có thể tạo dư luận, và đó là điều hết sức bình thường.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam báo cáo tổng kết hoạt động văn học năm 2024. |
Thời gian qua, các chi hội thuộc Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tiến hành đại hội cơ sở để chuẩn bị cho dự kiến tháng 4/2025 sẽ tổ chức Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa 11. Ngay từ các đại hội cơ sở, hội viên đã đề cập tới những vấn đề chưa làm được, phải làm, góp phần gợi mở cho một kế hoạch chiến lược cho Ban Chấp hành khóa mới. Hội cũng tiến hành mở mục "Tiến tới đại hội" trên trang web của Hội, cởi mở tiếp nhận ý kiến đóng góp của hội viên để tổng hợp thành văn bản quan trọng, giúp ích cho quá trình tiếp nhận, thực thi.
Theo mong muốn của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, có thể tổ chức được đại hội toàn thể, quy tụ hơn 1.000 hội viên để sự kiện thực sự trở thành ngày hội, chào mừng Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - cơ hội để nhìn lại hành trình 50 năm phát triển và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới với tầm nhìn chiến lược và khát vọng lớn lao của dân tộc.
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam cần được diễn ra trong tinh thần tích cực, nhìn lại thành tựu văn học trong 50 năm qua, đồng thời xác lập vị thế mới, con đường mới, hướng tới giá trị nổi bật và khác biệt. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhịp độ phát triển của nền văn học hiện nay còn chậm, chưa đáp ứng được mong đợi bạn đọc cũng như chưa phản ánh đúng năng lực của nhà văn, chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội. Kinh phí tổ chức đại hội được xã hội hóa và Ban chấp hành Hội đang chủ động vận động các nguồn lực.
Nền văn học Việt Nam có nhiều nét đặc trưng nhưng chưa được giới thiệu ra thế giới một cách hiệu quả. Vì thế, định vị văn học của chúng ta còn mờ nhạt. Các nhà văn cần cùng nhau cộng hưởng ý chí, tinh thần để gửi đến xã hội; nâng cao vị thế, tư cách nghề nghiệp.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
Trong báo cáo về vấn đề phát triển hội viên, nhà thơ Trần Hùng chia sẻ: Năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã tiếp tục củng cố phát triển các chi hội theo nghị quyết Đại hội 10, giải thể liên chi hội, thành lập chi hội; tích cực phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ. Cụ thể, trong nhiệm kỳ, có 14 chi hội mới được thành lập, nâng tổng số chi hội lên 51. Có 46 tỉnh có chi hội, còn 17 tỉnh chưa thành lập được chi hội, trong đó có 10 tỉnh chưa có đủ ba hội viên trở lên, hi hữu có tỉnh không có hội viên nào.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã ban hành quy chế mẫu để các địa phương căn cứ tình hình, phát triển chi hội. Trong nhiệm kỳ, Hội đã nâng cao về chất lượng hoạt động, chú trọng phát triển văn học, văn hóa đọc ở vùng sâu miền xa, phát hiện và kết nạp hội viên trẻ. Tuy nhiên, tỉ lệ hội viên cao tuổi trong Hội vẫn chiếm gần 80%.
Có 210 hội viên được kết nạp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Như vậy, tỉ lệ nhà văn trẻ là hội viên vẫn ít ỏi và trẻ hóa đội ngũ được xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Nhà thơ Hữu Việt trong báo cáo về công tác đối ngoại đã đưa ra những thông tin khả quan. Năm 2024, hoạt động đối ngoại diễn ra khá sôi nổi. Hội đã đón nhiều đoàn vào. Đầu năm là đoàn nhà thơ Hàn Quốc sang trao đổi, giao lưu và tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 tại Hoàng thành Thăng Long. Các nhà thơ nước bạn đã tham gia đọc thơ, giao lưu, có những cảm nhận rất tốt về hoạt động văn học tại Việt Nam.
Cũng với Hàn Quốc, tháng 11/2024, đoàn 16 nhà văn, nhà thơ, người hoạt động nghệ thuật do ông Bang Hungsuk đã giao lưu với Hội Nhà văn Việt Nam. Hàn Quốc đã in tập thơ song ngữ Việt-Hàn: "Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau".
Hội Nhà văn Việt Nam giao lưu với đoàn nhà văn Hàn Quốc. |
Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã đón nhiều đoàn văn nghệ sĩ sang Việt Nam kết nối hoạt động văn học. Tháng 11/2024, đoàn Học viện văn học Bắc Kinh - Trường đại học Sư phạm Bắc Kinh (nơi nhà văn Mạc Ngôn đoạt giải Nobel văn chương đang giảng dạy) thăm Hội, trao đổi về hợp tác trao đổi học thuật, tổ chức trại sáng tác cho các nhà văn hai nước đi thực tế, đặc biệt là các nhà văn trẻ. Những ngày tới, Hội sẽ đón tiếp ông Ankur Mishra, tác giả, diễn giả và nhà sáng lập, điều hành diễn đàn văn chương trực tuyến Kavishala rất nổi tiếng của Ấn Độ sang trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác.
Về phía Hội Nhà văn Việt Nam trong hoạt động quốc tế, tháng 8/2024, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã làm việc với Đại học Harvard về tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời thăm, làm việc với các nhà văn cựu binh Mỹ; tháng 12/2024, nhà thơ Hữu Việt tham dự Ngày nhà văn Quốc gia Campuchia và làm việc với các nhà văn các quốc gia có dòng sông Mekong chảy qua...
Hoạt động giao lưu văn học đã mở ra nhiều cơ hội tốt đẹp cho đôi bên. |
Năm nay, nhiều đại sứ quán và cơ quan ngoại giao cũng đã đến thăm Hội và bàn về hợp tác, dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và đưa văn học thế giới vào Việt Nam bài bản, chính thống. Có thể kể tới các cuộc làm việc của Hội Nhà văn Việt Nam với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Đại sứ Pakistan, Hội nhà văn Bulgary.
Bên cạnh các đối tác truyền thống, Hội cũng đã mở rộng quan hệ với các đối tác mới như: Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ấn Độ, Phong trào thơ thế giới do Fernaldo Rendom (Columbia) làm chủ tịch và một số tổ chức ngoại giao văn hóa khác; đề xuất và được Nhà nước đồng ý, làm các thủ tục tặng Huân chương Hữu nghị cho hai nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ: Kevin Bowen và Bruce Weigl. Việc này đã nhận được phản hồi tích từ dư luận trong nước và quốc tế.
Về giải thưởng văn học quốc tế cũng có nhiều điểm nổi bật. Giải thưởng văn học ASEAN 2022 được trao cho nhà văn Nguyễn Bình Phương, tác phẩm "Một ví dụ xoàng"; giải thưởng ASEAN 2023 trao cho nhà văn Nguyễn Một, tác phẩm "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín". Giải thưởng Văn học Mekong thành lập theo sáng kiến của Việt Nam sau gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, giải thưởng luân phiên do sáu thành viên lần lượt trao đang bị gián đoạn, thời gian tới các Hội Nhà văn thành viên sẽ tiếp tục họp bàn việc cải tiến công tác tổ chức, giải thưởng, đề tài, thể loại... để đi đến thống nhất, duy trì và phát huy uy tín, giá trị của giải thưởng này.
Hoạt động đối ngoại đa dạng, trực tiếp qua văn chương và thông qua văn chương, Hội Nhà văn Việt Nam đã đạt được những mối quan hệ hợp tác cho tương lai. Bên cạnh đó, các nhà văn nước bạn đã tham gia quyên góp cho nạn nhân bão Yagi, Gửi thư chia buồn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hoạt động đối ngoại này được Ban Đối ngoại Trung ương đánh giá rất cao).
Hiện, Hội đã bắt đầu thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc dịch thuật, xuất bản sách văn học song song. Hy vọng, năm 2025 sẽ có nhiều cơ hội cho các nhà văn, đặc biệt là tạo điều kiện cho các nhà văn trẻ tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, từng bước hội nhập với văn học khu vực và thế giới.