Giải quyết tình trạng tái mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số
Chiều 6/6, tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trả lời về giải pháp giải quyết tình trạng tái mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại phiên chất vấn chiều 6/6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Cụ thể, tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đặt câu hỏi chất vấn: Trong các chuyến đi vùng sâu, vùng xa, đại biểu gặp rất nhiều người đồng bào dân tộc bị tái mù chữ. Do đó, đại biểu đặt câu hỏi Ủy ban Dân tộc đã có khảo sát nào về tỷ lệ tái mù chữ của các đồng bào dân tộc từ thiếu niên đến người trưởng thành. Bộ trưởng có phương án nào phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết vấn đề này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, theo số liệu thống kê tính đến thời điểm này, số lượng người dân tộc thiểu số tái mù chữ hay nói cách khác là chưa nói thông, viết thạo tiếng và chữ Việt chiếm 15% trong tổng số người đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đây là nỗi trăn trở vô cùng lớn, và nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, trong đó có cả yếu tố khách quan.
“Đây là một chính sách giáo dục rất tốt của Đảng, Nhà nước ta trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, song đến bây giờ vẫn còn tỷ lệ 15%. Đây cũng là những điều hết sức trăn trở, trong 15% này có cả tái mù chữ, có cả những người chưa bao giờ đi học do nhiều yếu tố khách quan”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nêu thực trạng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết Ủy ban sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có các giải pháp trong các chính sách giáo dục thời gian tới đây, nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề này ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là 6 Nghị quyết của Bộ Chính trị phát triển 6 vùng kinh tế, trong đó có nhiệm vụ về phát triển giáo dục cũng có nêu vấn đề này.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai 4 hội nghị ở 4 vùng kinh tế, và trong triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu và có chính sách để xóa mù.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng nêu rõ, trong tất cả các nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động, Chính phủ đều có nghị quyết về xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong chiến lược phát triển giáo dục tới đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo trình sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này.
Nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Theo đó, đại biểu Đoàn tỉnh Lạng Sơn cho biết, đến nay Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã đảm nhận 1/2 nhiệm kỳ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết vấn đề trăn trở nhất về công tác dân tộc của Bộ trưởng là gì và giải pháp cho vấn đề đó trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, bản thân mới được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hơn 1 năm, thực tiễn trong suốt quá trình công tác đều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những lĩnh vực công tác đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Với vị trí của mình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh sẽ hoàn thành trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước giao phó; đồng thời với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc, công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm sẽ cùng Ủy ban Dân tộc nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng bày tỏ trăn trở chung với điều trăn trở của bà con nhân dân liên quan chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
“Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho bà con hiện nay từng bước đã hoàn thiện. Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện trong hệ thống chính trị. Nhưng điều tôi suy nghĩ nhất là dù chúng ta có chính sách đến đâu, có nguồn lực nhiều đến đâu, nhưng nếu bà con không nhận thức được hoặc không tiếp nhận được, không đồng lòng và không cùng với Nhà nước thực hiện thì cũng sẽ không thành công”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bày tỏ.
Do vậy, vấn đề trăn trở nhất theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh là nhận thức của người dân và để người dân thấu hiểu, cảm nhận chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và trách nhiệm cùng chung tay để thực hiện.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, để giải quyết vấn đề này không gì hơn ngoài giáo dục. “Phải giáo dục bà con nhân dân biết kiến thức, biết tiếng Việt, biết về khoa học kỹ thuật… thì mới tiếp nhận được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Cho rằng cùng với sự hỗ trợ từ chính sách, từ công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đoàn thể thì mới giải quyết được vấn đề, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu rõ đây cũng là một bài học tốt trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.