Cùng suy ngẫm

Vẫn câu chuyện “thủ tục”

Đường mới, cầu mới, nhưng chỉ sau một trận mưa to là xảy ra ngập úng. Đó là thực trạng của cầu Vĩnh Tuy 2 và một số đoạn của đường vành đai 2 trên cao tại Hà Nội. Trong đó, cầu Vĩnh Tuy 2 được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 8/2023, rất mới, rất đẹp, nhưng vì rác thải quá nhiều mà không có đơn vị dọn dẹp thường xuyên, nên rác bịt hết các cống thoát nước, dẫn đến úng ngập mỗi khi mưa to, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông qua cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Một số đoạn trên cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước sau cơn mưa lớn.
Một số đoạn trên cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước sau cơn mưa lớn.

Tương tự trên đường vành đai 2 trên cao (đoạn qua phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) cũng có đoạn bị ngập nước, gây ảnh hưởng cho các phương tiện lưu thông qua đây. Đang đi tốc độ cao, đến đây xe ô-tô phải giảm tốc độ đột ngột khiến cho việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Để xử lý kịp thời tình trạng nêu trên, mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố khẩn trương chủ trì phối hợp Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục ngay.

Theo lý giải của chủ đầu tư, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã hoàn thành và thông xe từ cuối tháng 8/2023. Tuy nhiên, dự án phải mất thời gian kiểm đếm, nghiệm thu. Trong thời gian này, chủ đầu tư cũng đã yêu cầu các nhà thầu phải thường xuyên dọn dẹp rác thải tại đây, tuy nhiên việc này cũng không thể duy trì thường xuyên được dẫn đến việc rác đã bít kín các lỗ thoát nước, gây úng ngập cục bộ. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố cho biết, sau khi hoàn tất công tác nghiệm thu trong tháng 4/2024, đơn vị đã có văn bản đề nghị thành phố cho bàn giao công trình này. Dự kiến các công việc sẽ hoàn tất trong tháng 5/2024 và sau khi tiếp nhận quản lý, đơn vị chuyên môn sẽ thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường, bảo đảm không còn rác thải và ngập úng.

“Tình trạng ngập úng trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 không phải do kỹ thuật hay chất lượng mặt cầu, mà do trong giai đoạn chờ bàn giao đã dẫn đến tình trạng này”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố khẳng định.

Rất may chỉ là vấn đề thủ tục bàn giao, nhưng nếu quá chậm trễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông. Trước đó, tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ Mai Dịch-cầu Thăng Long) được đầu tư quy mô bốn làn xe, tốc độ tối đa 100 km/giờ được đưa vào khai thác từ tháng 10/2020. Với sự đầu tư đồng bộ, đây là một trong những tuyến đường hiện đại của Thủ đô, nhưng vì thủ tục bàn giao chậm, cho nên hai năm sau đó, dù hệ thống chiếu sáng đã được lắp đặt hoàn chỉnh, nhưng cả đoạn đường trên cao và dưới thấp đều luôn trong tình trạng “tối om”, không bảo đảm an toàn cho các phương tiện khi di chuyển qua đây vào buổi tối. Phải đến khi người dân bức xúc, thậm chí đã có tai nạn đáng tiếc xảy ra tại đây, báo chí lên tiếng, các cơ quan liên quan mới gấp rút hoàn tất việc bàn giao để tuyến đường được sáng đèn.

Rõ ràng câu chuyện “thủ tục” không phải là vấn đề mới, nhưng nếu vẫn giải quyết theo những cách cũ thì sẽ khó mà triệt để được. Nhà nước đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, cùng nhiều thời gian, công sức để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhưng đến khi dự án đưa vào sử dụng mà vẫn còn vướng mắc, chưa phát huy hết hiệu quả.

Đành rằng công tác nghiệm thu, bàn giao phải được tính toán, bàn giao cẩn trọng theo quy định, tuy nhiên các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc chủ động hơn, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, gây lãng phí lớn cho xã hội.