Đưa vào khai thác cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

NDO -

Chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2020), sáng 11-10, Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND TP Hà Nội khánh thành, đưa vào khai thác công trình cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP Hà Nội.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Dự lễ, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên T.Ư: Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông vận tải; Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Cùng dự, còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio.

Phát lệnh đưa công trình vào khai thác, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, tuyến đường Vành đai 3 Hà Nội, trong đó có đoạn tuyến từ nút giao Mai Dịch đến cầu Thăng Long có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh, hiện đại, kết nối giữa các tỉnh phía bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất lớn, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực phía tây Thủ đô, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Trong tương lai, khi đô thị trung tâm Hà Nội được phát triển mở rộng, cả tuyến Vành đai 3 hoàn chỉnh sẽ là trục giao thông đường bộ chính yếu liên kết các cụm đô thị lớn của TP Hà Nội cũng như khu vực hai bên sông Hồng, tạo nên trục không gian cảnh quan của Thủ đô.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội thực hiện tốt việc bàn giao, tiếp nhận, kịp thời tổ chức khai thác, bảo dưỡng công trình hiệu quả, tuyệt đối an toàn; tiếp tục hoàn thiện tuyến đường và các hợp phần liên quan và bảo vệ công tác xây dựng đô thị hai bên tuyến đường theo đúng quy hoạch, văn minh, hiện đại, mỹ quan và vệ sinh môi trường; nghiên cứu đề xuất các hạng mục tiếp theo để hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3 TP Hà Nội bằng nguồn vốn dư của dự án...

Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) Dương Viết Roãn cho biết, Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước). Công trình có tổng chiều dài 5,367 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831 km, quy mô thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75 m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100 km/giờ.

Dự án gồm hai gói thầu xây lắp, gói 1 (đoạn từ Mai Dịch - Cổ Nhuế) do liên danh Sumitomo - Cienco4 thi công; gói 2 (đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long) do liên danh Tokyu - Taisei Corporation thi công. Đến nay, toàn bộ các hạng mục công trình chính của dự án đã hoàn thành đáp ứng đủ các điều kiện để thông xe và đưa vào khai thác, sử dụng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, dự án cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là đoạn tuyến trong tổng thể đường Vành đai 3 Hà Nội theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi hoàn thành, cùng với các dự án đã hoàn thành trước đây, cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 3, tạo thành một mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối các khu vực phụ cận, giao thông nội đô, giao thông liên vùng, đồng thời kết nối các đường giao thông huyết mạch, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội và vùng Thủ đô.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án Thăng Long tiếp tục chỉ đạo nhà thầu khẩn trương hoàn thiện sáu nhánh Ramp lên xuống tại nút giao Hoàng Quốc Việt - Tây Thăng Long và nút giao Nam Thăng Long; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để bổ sung xây dựng hai cầu kẹp song song với cầu Mai Dịch hiện tại và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà tài trợ JICA chủ trương xây dựng hầm chui Hoàng Quốc Việt bằng nguồn vốn dự phòng của dự án, nâng cao hơn nữa năng lực khai thác, hiệu quả đầu tư...