Cùng suy ngẫm

Vai trò quan trọng của tín dụng tiêu dùng

Tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được xem là một giải pháp quan trọng nhằm hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam cũng được kỳ vọng khởi sắc hơn. Trước hết, những kỳ vọng đó xuất phát từ những thay đổi, hoàn thiện của chính sách khi mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Những điểm mới của chính sách sẽ góp phần thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn từ phía các ngân hàng thương mại trong hoạt động cho vay tiêu dùng, từ đó đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân. Đáng chú ý, một điểm mới trong nội dung thông tư, đó là quy định cho phép các tổ chức tín dụng cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.

Thay vào đó, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính trước khi tổ chức tín dụng cho vay vốn. Những thay đổi này được đánh giá sẽ giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng, thuận tiện hơn, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp.

Thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

Ngoài ra, một báo cáo từ Fiin Group cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Sự phục hồi của thị trường sẽ rõ rệt hơn từ nửa sau của năm 2024. Trước mắt trong ngắn hạn, sự phục hồi sẽ được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô bao gồm sự hồi phục của các ngành sản xuất và xuất khẩu dự kiến sẽ cải thiện, chất lượng tín dụng và nhu cầu tín dụng của công nhân, lao động phổ thông, những người có thu nhập từ thấp đến trung bình là tập khách hàng chính trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và từ việc số hóa hành trình khách hàng, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên, dù có nhiều tín hiệu phục hồi, thị trường tài chính tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh chung nợ xấu có xu hướng gia tăng ở các tổ chức tín dụng. Tình trạng nợ xấu ở khối cho vay tiêu dùng vẫn khá đáng lo ngại. Thời gian qua đã xuất hiện những hội nhóm lôi kéo, bày cho nhau cách bùng nợ, chây ỳ trả nợ,… trên mạng xã hội. Dù bản thân các đơn vị cho vay đã có những biện pháp và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, song công tác thu hồi nợ đối với nhóm khách hàng này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, do đó, để thị trường tài chính tiêu dùng thực sự hồi phục và tăng trưởng bền vững, cần rất nhiều sự thay đổi đến từ cải thiện môi trường pháp lý, nhất là các quy định hướng dẫn trong việc thu hồi nợ.

Các tổ chức cho vay tiêu dùng, bên cạnh việc minh bạch trong hoạt động thu hồi nợ, chi phí vay,… cũng cần có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng. Điều này sẽ giúp các tổ chức tín dụng hạn chế nợ xấu, bảo đảm khả năng thu hồi nợ gốc, lãi vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận. Bên cạnh đó, chính bản thân người đi vay cũng phải có nhận thức trong việc tiêu dùng có trách nhiệm và trả nợ đúng hạn.