Vai trò nòng cốt của Đại học Đà Nẵng trong gắn kết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng

NDO - Ngày 15/11, Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Hội thảo nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
0:00 / 0:00
0:00
PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo; GS.TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội; TS. Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; GS.TSKH. Bùi Văn Ga - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, đồng chủ trì hội thảo. (Ảnh: ANH ĐÀO)
PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo; GS.TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội; TS. Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; GS.TSKH. Bùi Văn Ga - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, đồng chủ trì hội thảo. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Nhà nước - Nhà trường - Nhà Doanh nghiệp cùng gắn kết

Hội thảo diễn đàn để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ mối quan tâm, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết hiệu quả, bền vững và thực chất giữa “ba nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Nhà Doanh nghiệp) trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các tham luận trình bày tại hội thảo tập trung vào nhu cầu nhân lực từ nhiều góc độ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế và liên kết vùng; Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với đại học trong quá trình đào tạo nhằm gắn kết đào tạo và thực tế sử dụng nguồn nhân lực; Xu thế đào tạo các ngành nghề mới như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn và các ngành kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ…

Vai trò nòng cốt của Đại học Đà Nẵng trong gắn kết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng ảnh 1

Đà Nẵng có khóa sinh viên thiết kế vi mạch bán dẫn đầu tiên. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh và đối ngoại; có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay vùng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chất lượng nguồn nhân nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng phát triển.

Hệ thống các trường đại học của vùng tuy có sự phát triển với 44 cơ sở giáo dục Đại học nhưng phần nhiều có quy mô đào tạo nhỏ, lẻ, đơn ngành; nguồn lực đầu tư hạn chế, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn đất nước bắt đầu mở cửa hội nhập quốc tế, địa phương nào cũng muốn có trường đại học để nhanh chóng đào tạo nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhưng đến nay, các trường đại học của địa phương gặp không ít khó khăn trong tuyển sinh, năng lực, chất lượng và hiệu quả, dẫn đến lãng phí nguồn lực giáo dục.

Vai trò nòng cốt của Đại học Đà Nẵng trong gắn kết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng ảnh 2

Toàn cảnh hội thảo chiều ngày 15/11. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Theo số liệu năm 2023, Vùng kinh tế trọng điểm miền trung có 53.238 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 5,78% tổng số doanh nghiệp trong cả nước), trong đó thành phố Đà Nẵng chiếm số lượng lớn nhất với 25.797 doanh nghiệp (48,46% tổng số của vùng), tiếp theo là Quảng Nam (8.323), Bình Định (8.086), Quảng Ngãi (5.731), và Thừa Thiên Huế (5.301). Công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp tại vùng còn ở mức thấp, đóng góp của Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cũng dưới mức trung bình cả nước và thấp hơn các vùng kinh tế trọng điểm khác.

Vai trò nòng cốt của Đại học Đà Nẵng trong gắn kết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng ảnh 3

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng, khẳng định: Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực và quốc gia, Đại học Đà Nẵng đặc biệt coi trọng chất lượng đào tạo và luôn gắn kết với nhu cầu thị trường.

Đại học Đà Nẵng xem chất lượng đào tạo là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của một trường đại học. Việc gắn kết giữa nhà trường và các đối tác trong đào tạo nguồn nhân lực tại Đại học Đà Nẵng nói riêng và các trường đại học nói chung đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Nguyên nhân chủ quan là đào tạo chưa thực sự bám sát vào chiến lược phát triển kinh tế của địa phương và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong khu vực. Nguyên nhân khách quan là nền công nghiệp của các địa phương trong vùng còn nhỏ bé, nhu cầu đội ngũ nhân lực chất lượng cao chưa nhiều, nhu cầu đổi mới công nghệ chưa bức bách.

Xác định nguồn nhân lực Vùng

Việc kết nối các địa phương, doanh nghiệp, nhà trường, các tổ chức có liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh: Nghị quyết 26 đã có những chỉ đạo cụ thể, bám sát bối cảnh và thế mạnh của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong đó xác định Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là Vùng “mạnh về biển, giàu từ biển’'.

Vai trò nòng cốt của Đại học Đà Nẵng trong gắn kết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng ảnh 4

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Việc đào tạo nguồn nhân lực phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế mũi nhọn trong Vùng trong giai đoạn hiện tại và tương lai. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học trong Vùng khẳng định vai trò, vị thế và năng lực của mình trước những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động trong Vùng.

“Các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động có kế hoạch tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, chủ động hoạch định chiến lược và quy mô đào tạo phù hợp với định hướng phát triển của Vùng và của cả nước để hòa nhịp cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội chung”, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, nhấn mạnh.

Theo GS.TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, Vùng kinh tế trọng điểm miền trung vẫn gặp khó khăn với tỷ lệ lao động có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ở mức thấp và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phần lớn các doanh nghiệp trong vùng có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh còn hạn chế, khó mở rộng ra thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp này chỉ tham gia vào một số khâu của chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu, trong khi chưa có khả năng phát triển các sản phẩm chủ lực với thương hiệu tầm cỡ quốc gia hoặc quốc tế.

Phát triển nguồn nhân lực của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cần hướng tới nâng cao chất lượng và đáp ứng các yêu cầu phát triển hiện đại. Tính liên kết trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng tại Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được thể hiện ở khía cạnh: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng nên được thực hiện ở cấp vùng hơn là cấp tỉnh”.

Vai trò nòng cốt của Đại học Đà Nẵng trong gắn kết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng ảnh 5

Nhóm sinh viên các Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) tham gia Chung kết Cuộc thi Smart Campus châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 - SCAPA-2024. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Theo GS.TS. Lê Quân, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cần chuyên môn hóa giáo dục đại học và sau đại học cho các đại học vùng, do nguồn nhân lực chất lượng cao có thể di chuyển dễ dàng giữa các địa phương để tham gia các hoạt động kinh tế. Phát triển các đại học vùng đạt tầm khu vực và quốc tế để đảm bảo đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho toàn khu vực.

Các doanh nghiệp cần dành nguồn lực phù hợp đầu tư vào đào tạo nghề cho nhân viên, cần có cơ chế khuyến khích người lao động tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo.

Các chính sách ưu đãi cũng nên hướng tới việc thu hút các nhà khoa học xuất sắc và chuyên gia công nghệ quốc tế đến làm việc lâu dài tại các địa phương trong vùng, tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ chất lượng môi trường sống và nâng cao thu nhập.