Đà Nẵng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là một trong những điều kiện quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Vùng). Vùng này đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Kiến trúc Ðà Nẵng tìm hiểu về văn hóa biển miền trung qua hệ thống các làng chài ven biển.
Sinh viên Trường đại học Kiến trúc Ðà Nẵng tìm hiểu về văn hóa biển miền trung qua hệ thống các làng chài ven biển.

Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, hiện các địa phương trong Vùng đang thu hút nhiều nguồn lực, đầu tư mạnh về cơ sở vật chất cho giáo dục-đào tạo, bảo đảm nguồn lực, hợp tác kết nối phát triển bền vững.

Phát huy thế mạnh các đại học vùng

Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định: Tạo chuyển biến về chất lượng trong giáo dục và đào tạo; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng.

Ðầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học (ÐH) lớn ở Vinh, Thừa Thiên Huế, TP Ðà Nẵng, Nha Trang trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó ÐH Ðà Nẵng và ÐH Huế trở thành ÐH Quốc gia.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, đến năm 2022, toàn Vùng có 42 cơ sở giáo dục đại học (GDÐH), trong đó có 2 ÐH Vùng là ÐH Ðà Nẵng và ÐH Huế. Quy mô sinh viên ÐH năm học 2020-2021 của toàn Vùng là 254.965 sinh viên; quy mô học viên cao học là 11.142, quy mô nghiên cứu sinh là 545. Tổng số giảng viên năm học 2020-2021 của vùng là 10.210 giảng viên, gồm: 2.720 tiến sĩ, 6.479 thạc sĩ, 920 ÐH và 91 trình độ khác; trong đó, có 469 phó giáo sư và 42 giáo sư. Vùng đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là GDÐH và giáo dục nghề nghiệp…

Tuy vậy, quy mô đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, lợi thế của vùng trọng điểm trong nội dung đào tạo nguồn nhân lực chưa được thể hiện rõ nét. Một số ngành nghề được tập trung đào tạo nhiều nhưng nội dung, chương trình đào tạo chưa mang tính đột phá và chất lượng đào tạo còn thấp cho nên dẫn đến tình trạng mất cân đối cung-cầu, hiệu quả đào tạo còn thấp, thiếu hụt về đội ngũ giảng dạy đúng chuyên ngành và cán bộ quản lý do thiếu lực lượng cán bộ khoa học trẻ đủ năng lực thay thế những cán bộ giảng viên đầu ngành đến tuổi nghỉ hưu.

Bộ cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ sở GDÐH (đủ điều kiện) đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; ưu tiên đầu tư phát triển một số ngành đào tạo quan trọng gắn với phát triển ngành kinh tế biển, phù hợp với cơ cấu kinh tế-xã hội và nhu cầu học tập của nhân dân trong vùng; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sinh viên ÐH/vạn dân là 260 sinh viên/vạn dân; tỷ lệ sinh viên ÐH trong nhóm độ tuổi từ 18-24 đạt 35% năm 2030.

Gắn kết hợp tác trong đào tạo

ÐH Ðà Nẵng, ÐH Huế đã phát huy được vai trò của ÐH Vùng, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện, là nơi cung cấp nguồn cán bộ quan trọng ở hầu hết các ngành kinh tế, kỹ thuật, sư phạm và quản lý nhà nước, nhất là cho miền trung-Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. Cả hai ÐH này đang phát triển đúng hướng, phấn đấu trở thành trung tâm ÐH của cả nước, là một trong những ÐH trọng điểm quốc gia, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia, ngang tầm khu vực và quốc tế.

Triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong đó có nhiệm vụ xây dựng ÐH Ðà Nẵng trở thành Ðại học Quốc gia, là tiền đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược góp phần hiện thực hóa khát vọng, Ðề án phát triển ÐH Ðà Nẵng thành ÐH Quốc gia Ðà Nẵng. Gần 50 năm qua, ÐH Ðà Nẵng đã đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung ứng cho khu vực miền trung-Tây Nguyên và cả nước một lực lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ÐH Ðà Nẵng

Trong khi đó, ÐH Huế đã mở thêm các ngành mới như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Kinh tế quốc tế, Quan hệ quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Nông nghiệp công nghệ cao, Quản trị và phân tích dữ liệu và Hộ sinh với hơn 60% học phần bắt buộc, 40% học phần tự chọn, bảo đảm sự lựa chọn tối ưu cho sinh viên, tăng học phần thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 10 nghìn lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lấy công nghệ thông tin làm đột phá.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Ðà Nẵng, đến năm 2025, Ðà Nẵng phấn đấu đạt 42% nhân lực chất lượng cao trên tổng nguồn nhân lực và tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu đạt 50%. Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, Ðà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế-xã hội lớn, trung tâm tài chính, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Nhu cầu nguồn nhân lực cho thành phố cần có sự vượt trội so với các địa phương khác. Do đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, cần được quan tâm đầu tư đặc biệt đối với các ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong khi đó, tỉnh Nghệ An đề xuất, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các trường ÐH, cao đẳng của ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng nghề cao để cung cấp nguồn nhân lực cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác phân tích, dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động để có kế hoạch đào tạo hợp lý, khoa học; kết nối cung cầu lao động, giới thiệu việc làm.

Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực, các địa phương trong Vùng đang triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển các ngành kinh tế trọng điểm; tổ chức ký kết, đặt hàng các cơ sở đào tạo để có đầu ra cho nhân lực đáp ứng yêu cầu; thực hiện các chính sách đặc thù về hỗ trợ tài chính, ưu đãi về đất đai, ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.