Đại học Đà Nẵng: Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

NDO - Sáng 8/3, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Quỹ châu Á và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thuộc Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam” và khai giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”.
Quang cảnh hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao, đối tác của NIC; các trường đại học tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung tham gia đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi các nội dung liên quan đến nhu cầu tiềm năng phát triển nguồn nhân lực ngành thiết kế bán dẫn, định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng, những cơ hội và thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Đại học Đà Nẵng: Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ảnh 1

Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trình bày dự thảo đề án: “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng năm 2045”.

Trình bày dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng năm 2045”, đại diện NIC cho biết, mục tiêu của đề án đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị (thiết kế, sản xuất, lắp ráp/đóng gói/kiểm thử). Đến năm 2045, 50% kỹ sư có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2050 Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước; phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; thời gian qua, Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thành viên đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Trong đó, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng đã mở mới các chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch, xây dựng phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch bán dẫn với hệ thống thiết bị đo, kiểm thử chip bán dẫn.

Đại học Đà Nẵng: Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ảnh 2
Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ, phối hợp đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

PGS, TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng, cho biết nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực liên quan gần vi mạch bán dẫn đã đến nhà trường ký kết hợp tác và tài trợ các hệ thống thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tại Hội thảo, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với nhiều nội dung trong hỗ trợ, phối hợp đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó có việc cung cấp một số bản quyền phần mềm đào tạo về bán dẫn cho nhà trường phục vụ giảng dạy; chia sẻ mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho các hoạt động của cả hai bên; chia sẻ các nguồn lực của cả hai bên để triển khai kế hoạch hoạt động theo thỏa thuận hợp tác...

Ngay sau lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, lễ khai giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng được xây dựng với sự hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu của Công ty TNHH Giải pháp Acronics - công ty tư nhân duy nhất ở miền trung hoạt động ở lĩnh vực thiết kế vi mạch trên công nghệ FPGA và tích hợp phát triển, kéo dài 3 tháng với số lượng từ 25 - 30 học viên là giảng viên và sinh viên năm cuối các ngành liên quan đến bán dẫn của các trường đại học đào tạo về khoa học kỹ thuật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và khu vực miền trung – Tây Nguyên.