Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé Giàng A Dế cho biết, kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn trước toàn huyện có một xã là Sín Thầu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, còn 10 xã hầu hết đạt từ 7-12 tiêu chí nông thôn mới. Xét cụ thể các tiêu chí của từng xã, Ban Chỉ đạo chương trình nông thôn mới huyện Mường Nhé thấy rằng, hầu hết các xã đều chưa đạt tiêu chí về hạ tầng giao thông, thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo cao...
Vì vậy, Ban chỉ đạo huyện thống nhất, giai đoạn 2021-2025 sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình sinh kế xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể, huyện giao các phòng, ban, ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp ưu tiên nguồn lực cho các xã thực hiện các mô hình chăn nuôi gia súc, chuyển đổi cây trồng; hỗ trợ cho vay vốn theo địa chỉ với mô hình cụ thể.
Giai đoạn 2021-2025 sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình sinh kế xóa đói, giảm nghèo.
Bám sát chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu triển khai các mô hình điểm hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng nội dung nghị quyết chuyên đề phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung, gắn với chuỗi liên kết, chế biến. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé Nguyễn Văn Thắng cho biết, trên tinh thần chủ động lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Mặc dù trong giai đoạn chuyển giao (2020-2021) Trung ương chưa bố trí vốn cho nên năm 2021 Ủy ban nhân dân huyện chủ động bố trí hơn hai tỷ đồng từ ngân sách huyện hỗ trợ người dân giống cỏ voi, làm chuồng trại. Nhờ có sự vào cuộc sát sao của cấp ủy, chính quyền, sau hai năm triển khai, toàn huyện Mường Nhé đã trồng được 60,22ha cỏ voi; 87 hộ (nhóm hộ) gia đình trên địa bàn 11 xã đưa 1.066 con gia súc về nuôi nhốt và bán chăn thả.
Người dân tự đầu tư 17,275 tỷ đồng mua con giống, làm chuồng trại. Được chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay tổng đàn trâu, bò toàn huyện Mường Nhé đạt hơn 17 nghìn con; tốc độ tăng đàn đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ở các xã: Sín Thầu, Mường Nhé, Chung Chải, Mường Toong thực hiện năm dự án. Trong đó, dự án hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ cây sa nhân tím dưới tán rừng được triển khai tại xã Sín Thầu với quy mô 26ha, có 30 hộ dân tham gia; dự án liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm cam V2 tại xã Mường Nhé, quy mô 16,5ha, có 59 hộ gia đình tham gia; hai dự án Liên kết cung ứng vật tư đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm hạt dổi tại xã Chung Chải, Mường Toong, quy mô 34,5ha, có 67 hộ gia đình tham gia; dự án liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm vịt thịt có 27 hộ gia đình tham gia.
Tổng kinh phí thực hiện các dự án gần chín tỷ đồng do người dân, doanh nghiệp và Nhà nước hỗ trợ. Ông Mùa A Câu, bản Hua Sin, xã Chung Chải, cho biết: "Gia đình tôi có 5.000m2 đất tham gia dự án liên kết trồng cây dổi. Quá trình thực hiện mô hình, tôi được cán bộ dự án hướng dẫn từ khâu trồng, chăm sóc và được hỗ trợ phân bón chăm cây đúng chu kỳ, do vậy, diện tích cây trồng phát triển tốt và hai năm nữa sẽ được thu hoạch hạt. Với giá hạt trên thị trường hiện nay, gia đình tôi dự tính có nguồn thu hơn 10 triệu đồng từ cây dổi".
Đến nay, đời sống người dân xã Chung Chải ngày càng khấm khá hơn. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng nguồn vốn triển khai các mô hình, dự án tạo sinh kế cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Đánh giá kết quả bước đầu dự án liên kết phát triển cây dổi tại xã Chung Chải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Chung Chải Pờ Xè Chừ, khẳng định: Không chỉ các gia đình tham gia dự án mà người dân các bản trên địa bàn xã đã học tập được rất nhiều kinh nghiệm. Từ đó, nhiều gia đình dân tộc Hà Nhì, H’Mông trong xã đã chủ động chuyển đổi các diện tích nương bạc màu sang trồng cây khác như quế, sa nhân; chuyển từ lúa nương sang lúa ruộng. Diện tích lúa nước của Chung Chải đã đạt gần 200ha; bình quân lương thực đạt hơn 400kg/người/năm.
Đến nay, đời sống người dân xã Chung Chải ngày càng khấm khá hơn. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng nguồn vốn triển khai các mô hình, dự án tạo sinh kế cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé Hoàng Xuân Quyết đánh giá: Các năm trước, tổng nguồn cho vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn huyện dao động từ 31-35 tỷ đồng, song năm nay nhu cầu vay của người dân đã lên tới 55 tỷ đồng. So với tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thì vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chiếm hơn 52,3%.