Tháo gỡ vướng mắc để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững

NDO - Ngày 18/11, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Tham gia có lãnh đạo 32 sở, ngành liên quan của các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Cà Mau.

Phó Cục trưởng Cục việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Tào Bằng Huy cho biết, hội nghị lần này nhằm truyền đạt, hướng dẫn các nội dung liên quan của Nghị quyết số 24/2021/QH15 “Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2015”. Bên cạnh đó, còn có Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 90/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”. Cùng với đó là các thông tư số 10/2022 và số 11/2022 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc chương trình; Thông tư số 46/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về “Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện chương trình….

Cùng với đó, Cục Việc làm và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cũng hướng dẫn cách tiếp cận các tiểu dự án (tiểu dự án 4.2 và 4.3) về hỗ trợ việc làm bền vững với mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, vùng ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm đẩy mạnh hoạt động đưa các đối tượng được thụ hưởng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Chú trọng hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Tháo gỡ vướng mắc để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững ảnh 1

Các đại biểu góp ý kiến về những vướng mắc trong quá trình triển khai tại địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cho rằng, những nghị định, thông tư tuy đã ban hành và có hướng dẫn nhưng quá mới nên còn nhiều địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc bố trí vốn còn ít đối với các tiểu dự án không đủ đáp ứng, trong khi nhiều tỉnh, thành phố khó khăn về vốn đối ứng để cân đối bố trí.

Chuyên viên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai Võ Tấn Lễ phản ánh: “Những thông tư về thu thập thông tin và hướng dẫn thực hiện vẫn chồng chéo, chưa cụ thể, nên các tỉnh, thành phố rất khó khăn trong việc triển khai. Đối với vốn đầu tư tại tiểu dự án 4.3 (vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) thì một số kết nối về dữ liệu quốc gia, thu thập thông tin về cung-cầu lao động, cơ sở dự liệu dân cư… chưa được cụ thể hóa giữa địa phương và quốc gia”.

Phó Trưởng phòng Lao động việc làm-Giáo dục nghiệp nghiệp Nguyễn Bá Trước (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang) cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình vốn đầu tư phát triển (phần cứng và phần mềm) gặp một số vướng mắc.

Hiện nhiều địa phương còn nhiều khó khăn về kinh phí để đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất… nên việc hỗ trợ các trung tâm giới thiệu việc làm tại địa phương khó tổ chức tốt các cuộc trực tuyến giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động.

Chia sẻ những vướng mắc với các tỉnh, thành phố, Phó Cục trưởng Cục việc làm Tào Bằng Huy cho biết, về nguồn vốn phân bổ, nhiều bộ và các cơ quan Trung ương cũng chỉ được phân bổ 10% vốn ngân sách Trung ương.

Do đó, để triển khai vấn đề giải quyết việc làm, các địa phương cần chủ động bố trí nguồn vốn thực hiện chương trình từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình ngay tại địa phương.

Tại hội nghị, những ý kiến nêu khó khăn, vướng mắc được giải thích cụ thể, đồng thời nêu hướng giải quyết để từ đó các tỉnh, thành phố có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Sắp tới, Cục Việc làm và Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn cụ thể hơn để phổ biến sâu rộng các nghị quyết của Chính phủ cũng như thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để các tỉnh, thành phố thuận lợi hơn nữa khi triển khai. Từ đó, góp phần đưa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 phát huy hiệu quả như mong muốn.