Ngoài việc đưa các giống mới vào sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, Sơn La luôn quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn.
Những ngày cuối tháng 1, theo chân cán bộ nông nghiệp đến xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, chúng tôi chứng kiến không khí sôi động trên các vườn na, dâu tây của các hợp tác xã, nông hộ với hình ảnh những chiếc xe máy nối đuôi nhau chở nông sản ra các điểm tập kết để chuyển lên xe tải.
Khoát tay chỉ về những diện tích trồng na đã đến kỳ thu quả, ông Phạm Ngọc Bằng, Giám đốc Hợp tác xã OhayO cho biết: Thời điểm gần Tết, các nhà vườn đang tập trung thu hoạch để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Như hợp tác xã chúng tôi, để có na phục vụ thị trường Tết, nông dân đã kỳ công chăm sóc, tỉa cành, tạo tán và đầu tư hệ thống tưới nước tự động, bảo đảm cây na phát triển tốt. Trước đây, vụ thu hoạch na chỉ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10, giá bán 1 kg na từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng tùy loại. Khi ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật rải vụ, na đã cho thu hoạch đến tháng 1 năm sau, giá bán thời điểm trái vụ cao gấp hai lần na chính vụ.
Thông tin thêm về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng chí Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cò Nòi chia sẻ: Câu chuyện đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển xanh, tuần hoàn đã và đang được nông dân trong huyện triển khai, thực hiện hiệu quả.
Như tại xã Cò Nòi có 1.858 ha cây ăn quả, trong đó có hơn 1.400 ha cây ăn quả sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 29 doanh nghiệp, hợp tác xã của xã Cò Nòi đã sản xuất nông nghiệp tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... với giá trị thu nhập trên một héc-ta đất canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt gần 127 triệu đồng mỗi năm.
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản đã và đang được triển khai mạnh mẽ ở khắp các cơ sở của tỉnh Sơn La.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay đang được nhân lên, tạo phong trào. Năm 2023, tổng sản phẩm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của Sơn La đạt 8.832 tỷ đồng, tăng 5,48% so với năm 2022. Giá trị thu nhập trên một héc-ta đất canh tác ứng dụng công nghệ cao tăng gấp từ 1,5 lần đến hai lần trở lên so với canh tác truyền thống.
Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chiếm 5% đến 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tiêu chuẩn tương đương tăng gần 1,8% so với năm 2022; toàn tỉnh đã có năm vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - MTG (Công ty MTG) có xưởng chế biến cà-phê tại bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La với công suất 15.000 tấn quả cà-phê tươi/năm. Ngoài ra, công ty còn có xưởng chế biến cà-phê thóc - cà-phê nhân tại Tổ 5, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La với công suất 20.000 tấn/năm; chế biến sâu khoảng 80 tấn đến 100 tấn/năm.
Đưa chúng tôi tham quan một lượt khu sản xuất tại bản Sẳng, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty MTG, Chi nhánh Sơn La, thông tin: Cùng với các doanh nghiệp trên địa bàn, công ty luôn coi trọng mô hình kinh tế tuần hoàn bởi đây chính là bước đi đột phá để thương hiệu có cơ hội phát triển ở thị trường mở toàn cầu.
Qua thực tế cho thấy quy trình sơ chế cà-phê tươi thải ra một lượng lớn vỏ cà-phê, vốn được xem là phụ phẩm. Nếu không xử lý đúng cách chúng sẽ trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người tiêu dùng, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường, Công ty MTG đã đầu tư công nghệ mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện môi trường, tạo bước đột phá trong quá trình chế biến, sản xuất, nhằm hài hòa giữa phát triển bền vững và môi trường.
Năm 2024, công ty đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm ấn tượng được làm từ vỏ cà-phê, như: Bao bì sinh học, túi tự hủy, dao, thìa dĩa... góp phần bảo vệ môi trường sống. Ngoài ra, tận dụng phụ phẩm trong quá trình chế biến, công ty còn thu gom vỏ cà-phê để làm trà Hà Chúc Cascara; tận dụng vỏ và bã cà-phê để sản xuất sản phẩm sinh học Namigo; xây dựng xưởng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại xã Chiềng Xôm, cung cấp cho vùng trồng cà-phê Mai Sơn và thành phố Sơn La.
Nông nghiệp tuần hoàn là điểm nhấn trong việc tái cơ cấu nông nghiệp của Sơn La.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La, hiện nay nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn với hàng triệu tấn mỗi năm như: Rơm, rạ, cỏ, bã mía; hơn tám triệu con gia súc, gia cầm được nuôi theo quy mô trang trại, gia trại... Đồng chí Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết: Trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản...
Theo đó, nông nghiệp tuần hoàn là điểm nhấn trong việc tái cơ cấu nông nghiệp của Sơn La. Hiện tại ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trong ngành giới thiệu, tuyên truyền các mô hình điển hình trong ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế tuần hoàn, nhất là việc sử dụng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tái sản xuất, từ đó, nhân rộng mô hình, tạo phong trào sâu rộng phát triển nông nghiệp trong toàn tỉnh.
Tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp trong việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; phổ biến các sáng kiến, cách làm hay, các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tiêu biểu. Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Đây cũng là động lực để Sơn La thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững, góp phần đưa tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.