Khoa học-công nghệ giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã tích cực hỗ trợ đưa tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất bằng những mô hình cụ thể, đúc kết từ thực tiễn nghiên cứu đã giúp nông dân trong vùng ứng dụng đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng dưa lưới xuất khẩu tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) của Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm).
Trồng dưa lưới xuất khẩu tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) của Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm).

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Sở đã chuyển giao nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật phục vụ chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố đem lại hiệu quả rất thiết thực. Cụ thể, đã Xây dựng, chuyển giao mô hình nuôi thâm canh lươn đồng (Monopterus albus) không bùn ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn (RAS) cho hộ nông dân Nguyễn Đức Hoàng Hải ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh là minh chứng rõ nét.

Kết quả, mô hình đã hoàn thiện chuyển giao với kỹ thuật xử lý nguồn nước, các thông số môi trường phù hợp cho lươn sinh trưởng, phát triển tốt; khắc phục được những hạn chế so với phương pháp nuôi truyền thống, đạt gần 4.000 kg/vụ/22m2, doanh thu 583 triệu đồng, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Hay Xây dựng mô hình sản xuất lan kiếm, lan giả hạc giai đoạn vườn sản xuất cho cơ sở sản xuất hoa lan Nguyễn Hà Y Chiêu, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, với hình thức nhà lưới, hệ thống tưới phun sương diện tích 1.000m2, đạt lợi nhuận 638 triệu đồng.

Ngoài ra, các mô hình chuyển giao đã thực hiện, cho hiệu quả cao như cải tiến kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc hương (Babylonia areolata) trong ao đất lót bạt hai giai đoạn tại Cần Giờ cho hộ nông dân Lê Xuân Bang; mô hình cải tiến kỹ thuật sản xuất giống sò huyết (Anadara granosa) tại huyện Cần Giờ cho hộ nông dân Thái Hoàng Thiên ở xã Long Hòa; mô hình cải tiến kỹ thuật trong sản xuất giống cá vàng ranchu cho hộ nông dân Nguyễn Minh Chí ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi...

Chỉ riêng lĩnh vực chăn nuôi, đến nay địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 127 trang trại ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 514,8 ha. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Điểm nổi bật ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi của tỉnh thời gian qua là nâng cao chất lượng con giống.

Nhờ đó, 100% số lợn giống tại các trang trại là lai ngoại (Landrace, Yorkshire, Duroc,... được thụ tinh nhân tạo giống cao sản Duroc, Pietrain,...); 100% số trang trại gia cầm nuôi giống lai có năng suất cao như: Isa, Sasso, Brown, Ai Cập, Ross 308,... Các trang trại bò sữa, bò thịt sử dụng giống được lai tạo với các giống lai cao sản: Lai Sind, Brahman, Droughtmaster, BBB, Angus,... Đây là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi của tỉnh có những bước đột phá về năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại tỉnh Bình Phước, để nâng cao sản lượng, chất lượng cây điều, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện điều tra, thu thập dữ liệu nguồn gien gồm 384 dòng điều có năng suất cao; qua đó, xác định 100 dòng điều ưu tú và tuyển chọn sáu giống điều địa phương có năng suất, chất lượng nổi bật, giúp ngành nông nghiệp địa phương.

Hiện nay, sở đang nghiên cứu các chỉ thị phân tử để đánh giá các dòng điều triển vọng và xây dựng vườn tập đoàn giống điều quy mô 250 dòng/giống với tổng diện tích 3 ha phục vụ bảo tồn nguồn gien toàn bộ tập đoàn điều nghiên cứu. Tỉnh cũng đang nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất mứt trái điều, bột dinh dưỡng hòa tan, nước giải khát trái điều; nghiên cứu tách chiết, thu nhận cao chiết giàu dẫn xuất catechin từ vỏ lụa hạt điều ứng dụng tạo sản phẩm chức năng.

Phối hợp tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản là cách làm của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đã được đưa vào ứng dụng với các mức độ khác nhau đã đem lại những hiệu quả nhất định, triển khai những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất, phòng trừ dịch bệnh phù hợp.

Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành, cơ cấu lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời, giúp ngành nông nghiệp triển khai thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, sản phẩm cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được sắp xếp và hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức giao lưu, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham quan khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp công nghệ cao; hội thảo phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng làng thông minh...

Thông qua những sự kiện này, với sự tham dự của các viện, trường đại học trong và ngoài tỉnh, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý... nhằm đề xuất, chia sẻ những cách làm mới, mô hình hay được nghiên cứu từ thực tiễn nhằm thúc đẩy gắn kết, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng sâu rộng hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.