Đầm Hà thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Những năm qua, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Đầm Hà đã đẩy mạnh thu hút các dự án trọng điểm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời, triển khai áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Quảng Ninh và khu vực phía bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm dưa lưới trồng theo quy trình công nghệ cao ở Đầm Hà đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản phẩm dưa lưới trồng theo quy trình công nghệ cao ở Đầm Hà đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nhiệm vụ chiến lược, huyện Đầm Hà đã có những bước đi phù hợp và đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Huyện tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai các dự án về nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.

Hiện nay, Đầm Hà định hướng lấy phát triển sản xuất là động lực, lấy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng sống của nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Từ đó, huyện đề ra nhiều giải pháp, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, triển khai áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất.

Trên địa bàn huyện Đầm Hà có nhiều tập đoàn, công ty lớn như Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty cổ phần Funny Group JSC... đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có Tập đoàn Việt-Úc

triển khai dự án sản xuất tôm giống chất lượng cao với công suất tám triệu con giống/năm. Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đạt sản lượng mỗi năm từ 1,5 tỷ đến 1,7 tỷ con tôm giống cung cấp cho thị trường các tỉnh phía bắc. Bên cạnh đó còn có Hợp tác xã Bắc Việt chuyên nghiên cứu, tổ chức sản xuất giống cá biển, cung cấp từ 750 nghìn đến một triệu con cá song giống/năm. Huyện Đầm Hà cũng khuyến khích các đơn vị tham gia vùng trồng rau, dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong môi trường lạnh sản xuất gà giống, sản xuất từ 150 nghìn đến 200 nghìn gà giống cung cấp ra thị trường/năm.

Huyện cũng liên kết với gần 500 hộ dân sản xuất gà thương phẩm chất lượng cao cung cấp cho các nhà hàng ở Hạ Long và các địa phương lân cận.

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã thí điểm ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới, phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng được sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Hệ thống tưới tiêu và giám sát được điều khiển qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó, người nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm để có quyết định đúng đắn hơn trong tổ chức sản xuất.

Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, việc chuyển đổi số cũng được địa phương đẩy mạnh thực hiện. Huyện đã tập trung hỗ trợ cho tám đơn vị tham gia chương trình OCOP xây dựng website quảng cáo bán hàng với tổng kinh phí hơn một tỷ đồng; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đưa 11/13 sản phẩm chủ lực của huyện lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua-bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử bước đầu phát huy hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Hà Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết: Huyện đặt mục tiêu trong thời gian tới, xây dựng huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, huyện sẽ thành lập, phát triển hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh là: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết người dân, quy mô tổng đàn 30 nghìn con, trong đó chăn nuôi tập trung 10 nghìn con, liên kết người dân 20 nghìn con, với diện tích 350 ha. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, quy mô 435 ha. Huyện cũng triển khai các quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp như: Vùng trồng cây ăn quả tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển và bãi triều; tích hợp, kết nối, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô đủ lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, Đầm Hà đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xu hướng chuyển dịch trong nội ngành cơ bản bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, đặc biệt là lợi thế về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của huyện; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch ngành; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển sản xuất, hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Một điểm sáng nữa tại Đầm Hà là bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung. Nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao được triển khai trên địa bàn, như: Dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao của Tập đoàn Mavin; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại huyện Đầm Hà của Tập đoàn TH… Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, giúp cho nông nghiệp Đầm Hà có bước tiến dài. Một số nông sản bước đầu được xây dựng nhãn hiệu, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng theo chương trình OCOP.

Bằng quyết tâm đổi mới trong phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vốn là thế mạnh của địa phương, huyện Đầm Hà chủ động phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm khoa học nông, lâm, ngư nghiệp, cơ quan khuyến nông các cấp... để nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng một số quy trình, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; ưu tiên đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả.

Mục tiêu xuyên suốt của huyện Đầm Hà trong các năm tới là tiếp tục thu hút đầu tư kết hợp với chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tích cực chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và quy hoạch phát triển những vùng trồng cây đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; quyết tâm xây dựng Đầm Hà trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Quảng Ninh ■