Trả lời phỏng vấn của truyền thông Đức, ông Podolyak nhấn mạnh, 1 hệ thống như vậy "không thể thiếu sự tham gia của Mỹ ở vị trí đầu tiên".
Ông cũng nói thêm rằng các vấn đề như tương lai của Crimea, Donetsk và Luhansk sẽ chỉ do Tổng thống Ukraine và Nga quyết định.
Hồi đầu tháng 3, ông Podolyak cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể sẽ sớm tiến hành hội đàm.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 21/3 cho biết, hiện còn quá sớm để nói về 1 cuộc hội đàm giữa 2 tổng thống vì chưa có đột phá nào tại các cuộc đàm phán cấp dưới.
Từ ngày 28/2, các phái đoàn Nga và Ukraine đã tiến hành 3 vòng hòa đàm trực tiếp tại Belarus. Cuộc đàm phán thứ tư đã bắt đầu ngày 14/3 dưới hình thức trực tuyến.
Liên quan vấn đề trên, tờ The Telegraph của Anh ngày 26/3 đưa tin, Ngoại trưởng nước này Liz Truss cho biết, các lệnh trừng phạt của Anh áp đặt với các cá nhân và công ty Nga có thể được dỡ bỏ nếu Nga rút quân và cam kết chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Ý kiến trên của Ngoại trưởng Anh tương tự phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng các trừng phạt chống Nga "không phải là vĩnh viễn" và có thể "được dỡ bỏ" nếu Moskva thay đổi cách hành xử.
Ngoại trưởng Truss cũng cho biết bà đã thiết lập 1 bộ phận đàm phán đặc biệt thuộc Bộ Ngoại giao Anh để hỗ trợ Ukraine trong các cuộc hòa đàm với Nga.