Đây là thông tin từ hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành bảo hiểm xã hội tháng 12 diễn ra vào ngày 7/12.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 11/2022, toàn quốc có hơn 17,266 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 90% so với kế hoạch của ngành, tăng gần 720.000 người, tương đương 4,35% so với hết năm 2021.
Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90,19 triệu người, tăng hơn 1,36 triệu người (1,53%) so với hết năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% dân số. Con số này đã gần đạt mục tiêu của năm nay là số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số.
Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lũy kế ước hết tháng 11/2022 là gần 382.700 tỷ đồng, đạt 88,74% kế hoạch…
Qua 11 tháng năm 2022, toàn ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự thảo luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; triển khai chuyển đổi số, công tác thu, tài chính kế toán, tổ chức cán bộ, giải quyết thủ tục hành chính… Công tác truyền thông chính sách, pháp luật không ngừng được đẩy mạnh, đa dạng về nội dung, hình thức. Bên cạnh đó là các kết quả tích cực về thanh tra, kiểm tra; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành…
Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VSS) |
Tại hội nghị, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành trong thực thi nhiệm vụ 11 tháng năm 2022.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, toàn ngành cần đánh giá, theo sát thị trường lao động để có những chỉ đạo, giải pháp phù hợp. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức dịch vụ thu để đôn đốc, truyền thông, vận động, tập trung vào các nhóm tiềm năng. Cần tập trung khai thác dữ liệu thuế, kế hoạch đầu tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra phấn đấu giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn so với năm 2021.
Bên cạnh đó, toàn ngành tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi các quỹ.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.