HÀ GIANG CÓ 203 SẢN PHẨM OCOP
Đến nay, tỉnh Hà Giang có 203 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có: 197 sản phẩm đạt 3 sao; bốn sản phẩm đạt 4 sao; hai sản phẩm 5 sao. Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã có nhiều chính sách giúp các đơn vị tham gia chương trình OCOP tiếp cận với nguồn vốn vay, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ đổi mới công nghệ cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, như: Chuyển giao công nghệ chiết xuất chất polyphenol từ búp trà Shan tuyết cổ thụ; máy sấy chè công suất 400 kg sản phẩm/giờ; máy dập viên hoàn sản phẩm thảo dược... Tỉnh phấn đấu trong thời gian tới có thêm 50 sản phẩm OCOP, có từ hai sản phẩm đạt 5 sao.
CUNG ỨNG HƠN 12.000 CON CÁ GIỐNG CÁC LOẠI
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh Cao Bằng đã cung cấp hơn 12.000 con cá giống các loại (chép, rô phi, trắm) tại các huyện: Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa và thành phố Cao Bằng. Theo đó toàn bộ lượng cá giống được sản xuất theo quy trình khép kín tại chỗ, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và được kiểm dịch chặt chẽ. Hiện Trại Giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thuộc Trung tâm bắt đầu cung ứng dịch vụ cá giống các loại ra thị trường. Năm nay, giá cá giống các loại duy trì ổn định, không có biến động so với năm trước.
ĐẠI TỪ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP
Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tổng diện tích đất quy hoạch CCN trên địa bàn huyện Đại Từ là 244,2 ha, gồm năm CCN: An Khánh 1, Phú Lạc 2, Hà Thượng, Cát Nê-Ký Phú và Quân Chu. Đến nay, 4/5 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật với số vốn đăng ký đầu tư 1.793 tỷ đồng, tổng diện tích thành lập 182 ha/244,2 ha. Kết quả đạt được trong phát triển CCN đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Đại Từ. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của huyện Đại Từ ước đạt hơn 10.650 tỷ đồng, tăng hơn 2.038 tỷ đồng so với năm 2020 và tăng bình quân 4,3%/năm.
PHÊ DUYỆT 813 HỘ CÓ NHU CẦU HỖ TRỢ XÂY MỚI, SỬA CHỮA NHÀ Ở NĂM 2025
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 244/QĐ- UBND về việc phê duyệt kết quả tổng hợp nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2025. Theo đó, tổng số hộ có nhu cầu hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở là 813 hộ, trong đó có 477 hộ xây mới, 336 hộ sửa chữa, với tổng số kinh phí hỗ trợ là 38.965 triệu đồng. Cụ thể, đối với hộ thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, xây mới nhà ở được hỗ trợ là 60 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà ở được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ. Đồng thời tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 15/3/2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc sửa chữa, xây dựng mới cho các đối tượng đủ điều kiện trong tháng 6/2025.
SẢN LƯỢNG DỨA Ở HUYỆN MƯỜNG KHƯƠNG ƯỚC ĐẠT HƠN 50 NGHÌN TẤN
![]() |
Nông dân xã Bản Lầu thu hoạch dứa. (Ảnh THÚY PHƯỢNG) |
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai), toàn huyện hiện có khoảng 1.899 ha dứa, sản lượng năm 2025 ước đạt hơn 50 nghìn tấn, trị giá hơn 378 tỷ đồng. Huyện dự kiến mở rộng thêm 210 ha trong năm tới, nâng tổng diện tích dứa lên 2.000 ha, đưa cây dứa trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Dứa đang là cây trồng hàng hóa chủ lực của huyện Mường Khương theo Nghị quyết 10 về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Mường Khương cũng đã có chính sách hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật canh tác và ổn định đầu ra, mang lại thu nhập cho người dân.