Tượng An Dương Vương ở Cổ Loa được công nhận là Bảo vật quốc gia

Pho tượng An Dương Vương tại Khu di tích Cổ Loa là pho tượng cổ bằng đồng duy nhất về ngài hiện được biết đến ở nước ta. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi pho tượng được thờ tại chính nơi ngài dựng nghiệp cách đây hàng nghìn năm.
0:00 / 0:00
0:00
Khu di tích Cổ Loa. (Ảnh: TTXVN)
Khu di tích Cổ Loa. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận 27 bảo vật Quốc gia (đợt 11, năm 2022). Trong số 27 bảo vật Quốc gia lần này có pho tượng An Dương Vương (trên bức tượng ghi là Thánh tổ Hoàng đế An Dương) tại Khu di tích Cổ Loa.

Pho tượng An Dương Vương có một lịch sử khá đặc biệt. Năm 1893, trong khi trùng tu đền Thượng, các cụ làng Cổ Loa (nay là xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) có đào được tại đền Thượng một kho đồng, nhân dân cho rằng, đó là kho đồng thiêng của nhà vua nên đã đem đúc tượng, phục vụ cho việc thờ cúng, tế lễ tại đền. Đến năm 1897 thì đúc xong.

Tượng An Dương Vương ở Cổ Loa được công nhận là Bảo vật quốc gia ảnh 1

Bảo vật quốc gia - tượng An Dương Vương.

An Dương Vương là vị vua có công lập nên Nhà nước Âu Lạc (Thế kỷ III TCN), định đô ở Cổ Loa, lãnh đạo nhân dân đắp thành kiên cố, chống giặc và phát triển nền sản xuất, đặc biệt có nhiều thành tựu trong nghệ thuật quân sự, kỹ thuật luyện kim đúc đồng, chế tạo nông cụ và nông nghiệp lúa nước. Thành Cổ Loa được xem là một thành tựu lớn về kỹ thuật quân sự lúc bấy giờ. Hiện nay, Khu di tích Cổ Loa, nơi có thành cổ Cổ Loa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội Cổ Loa được ghi vào Danh mục di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tượng An Dương Vương ở Cổ Loa được công nhận là Bảo vật quốc gia ảnh 2

Dâng hương tưởng nhớ An Dương Vương tại Lễ hội Cổ Loa, Xuân Quý Mão 2023.

Tượng An Dương Vương được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống, với kỹ thuật đúc bằng khuôn sáp. Các công đoạn, quy trình đúc phức tạp, tỉ mỉ, từ lúc tạo mẫu, dùng sáp ong tạo hoa văn cho đến khi nung khuôn, sửa nguội. Điều khác lạ của tượng An Dương Vương là người xưa đã đúc ngài trong tư thế ngồi trên bệ, hình trụ, không phải trên long ngai như những pho tượng thờ khác, thể hiện sự gần gũi với cộng đồng. Tượng lòng rỗng, trong tư thế ngồi trên bệ, liền khối, hình trụ, hai tay cầm hốt với phong thái ung dung, đường bệ, uy nghi.

Vua đội mũ bình thiên hai cấp, trang trí “lưỡng long chầu nhật”, mình mặc áo long bào cổ cao, hai tay cầm hốt để trước ngực, diềm áo chảy xuống tới tận mũi hài, thân đeo đai ngọc to bản trễ xuống, chân đi hài mũi cong. Hoa văn trang trí trên long bào được sắp đặt theo bố cục đăng đối, ở mặt trước và sau, bên phải, bên trái. Điểm nhấn của hoa văn trang trí trên long bào được phân thành các chủ đề khác nhau như: lưỡng long chầu nhật, rồng cuộn, mây hóa, trăng, sao, rồng hóa, chim phượng, chim công, cỏ cây, hoa lá, sóng nước, và những biểu tượng thiêng khác...

Pho tượng An Dương Vương được đúc bằng đồng là pho tượng duy nhất, chưa từng thấy ở bất cứ di tích thờ An Dương Vương nào trên đất nước ta. Pho tượng cổ càng có ý nghĩa hơn khi được thờ phụng tại chính nơi An Dương Vương dựng nghiệp khi xưa.