Dù rất bận rộn với các việc chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của huyện là Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Tuần Giáo (20/11/1952- 20/11/2022) vào ngày 20/11, song đồng chí Bí thư Huyện ủy Lò Văn Cương vẫn dành cho chúng tôi khoảng thời gian quý giá để nói về những đổi thay của Tuần Giáo hôm nay.
Điểm lại quá trình hình thành và tên gọi địa danh Tuần Giáo trong dòng chảy lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, giọng Bí thư Huyện ủy Lò Văn Cương âm trầm và xen lẫn tự hào.
Ông Lò Văn Cương nói rằng, từ buổi bình minh lịch sử, thời Hùng Vương, nước Văn Lang được chia thành 15 bộ, thì Tuần Giáo thuộc Bộ Tân Hưng.
Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, xuyên suốt các thời kỳ trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc Tuần Giáo đã sớm giác ngộ, hiểu về hoạt động của Việt Minh, ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và đó chính là tiền đề quan trọng cho hoạt động vũ trang tuyên truyền gây dựng cơ sở và hoạt động sau này.
Cuối tháng 5/1949, Đội xung phong Quyết Tiến (1 trong 4 đội vũ trang tuyên truyền chủ yếu của Liên khu 10 do đồng chí Lý Bạch Luân và Trần Hồng Quân chỉ huy) đã đến Tuần Giáo xây dựng cơ sở cách mạng tại xã Pú Nhung, được nhân dân Pú Nhung nói riêng và nhân dân Tuần Giáo nói chung hết lòng cưu mang, bất chấp mọi khó khăn hiểm nguy.
Tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Vừ A Dính - người anh hùng thiếu niên dân tộc, đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cán bộ cách mạng, đã trở thành niềm kiêu hãnh, tự hào của tuổi trẻ, đồng bào cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên và người dân trên quê hương Tuần Giáo anh hùng...
Trải qua bao gian nan, hiểm nguy, khó nhọc với hàng trăm đợt càn quét, bắt giết của địch suốt những năm 1949 đến ngày Tuần Giáo được hoàn toàn giải phóng (20/11/1952), nhân dân các dân tộc Tuần Giáo vẫn một lòng kiên trung theo con đường mà Đảng, Bác Hồ lãnh đạo.
Một năm sau ngày Tuần Giáo được giải phóng, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ thì Tuần Giáo lại trở thành tiền tuyến, vừa là hậu phương vững chắc, tạo thế và lực cho quân và dân ta tiếp tục tiến công giải phóng Điện Biên vào ngày 7/5/1954.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo Lò Văn Sinh (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện với cán bộ trẻ về truyền thống cách mạng của quân và dân huyện Tuần Giáo. |
“Chỉ tính riêng giai đoạn từ 1949-1954, Tuần Giáo có hàng nghìn cán bộ, bộ đội, dân công và người dân đã hy sinh, bị thương trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu; hàng ngàn ngôi nhà bị đốt phá.
Đó là mất mát rất lớn không thể kể đếm, song nhân dân các dân tộc huyện Tuần Giáo vẫn kiên cường cùng nhân dân cả nước vùng lên, cùng bộ đội giải phóng quê hương, giải phóng Điện Biên, giải phóng Tây Bắc, xây dựng Tuần Giáo trưởng thành như ngày hôm nay!”, giọng ông Cương đầy xúc động.
Nghe ông Lò Văn Cương nhắc cụm từ “Tuần Giáo hôm nay” tôi chợt nhớ chuyện mà ông Lò Văn Sinh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo Tuần Giáo từ năm 1960-1967, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo từ năm 1987-1996 đã kể về Tuần Giáo những ngày xưa.
Sau giải phóng, trong năm 1953, Tuần Giáo mới thành lập được các phòng: bưu điện, y tế, giáo dục, thương nghiệp, lương thực, văn hóa-thông tin, song số lượng cán bộ cho từng phòng rất ít ỏi. Mà ít nhất trong số các phòng đó lại rơi vào ngành giáo dục chỉ với 2 giáo viên phải đảm đương tất cả các việc, từ mở trường tới dạy xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn.
“Những tưởng thầy giáo sẽ nản, bỏ về xuôi vậy mà thầy giáo vẫn ở lại với dân bản, dạy dân bản biết cái chữ, biết ăn ở hợp vệ sinh và thầy giáo còn dạy dân bản biết trồng cây lúa nước”, lời ấy người già ở các bản Piêng Pi, Ta Ma, Pú Nhung, Chua Lú vẫn thường nhắc khi có khách đến thăm nhà.
Và hôm nay, 70 năm sau ngày giải phóng, có sự chung sức, đồng lòng của lớp lớp cán bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện, Tuần Giáo đã khoác trên mình vóc dáng mới, là đô thị yên bình, hiện đại và cũng rất đỗi thơ mộng dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã tiếp thêm động lực mới để đường làng, ngõ xóm khắp bản vùng thấp đến bản vùng cao Tuần Giáo thêm diện mạo mới.
Tuần Giáo nay đã có 9 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên; 5 bản đạt chuẩn nông thôn mới; 2 sản phẩm OCOP (OCOP - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã được chứng nhận 3 sao (dưa mèo, cà phê bột Hồng Kỳ); các dự án mô hình vườn rừng trồng cây ăn quả, mô hình kinh tế trang trại theo hướng sản xuất nông-lâm kết hợp được nhân dân ưu tiên đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Tuần Giáo được nâng lên toàn diện.
Trung tâm huyện Tuần Giáo hôm nay. |
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh luôn được chú trọng để đáp ứng yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ.
Từ 1 chi bộ với 9 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện Tuần Giáo đã có 58 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với trên 4.700 đảng viên; chất lượng đảng viên đã được nâng cao, với tỷ lệ trình độ chuyên môn đại học và trên đại học chiếm 34,6%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm hơn 21%.
Hằng năm có hơn 80% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 85% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Ý Đảng hợp lòng dân, những quyết sách đúng đắn, kịp thời, từ những ngày đầu thành lập và qua 23 kỳ đại hội Đảng bộ đã được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Tuần Giáo hiện thực hóa trên quê hương yêu dấu.
Hôm nay, nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người con trên quê hương Tuần Giáo càng thêm tự hào về sự vươn lên mạnh mẽ của Tuần Giáo với các kết quả toàn diện, nổi bật.
Trên hành trình dựng xây, mỗi người con của quê hương Tuần Giáo hôm nay luôn tự nhủ, sẽ nỗ lực nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn xây dựng Tuần Giáo ngày càng phát triển, thành điểm đến hấp dẫn, ấn tượng với bạn bè, du khách thập phương…!