Dồn sức xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình đã phát huy tốt vai trò "dân biết, dân bàn, dân làm và tự kiểm tra, giám sát", từ đó hình thành nhiều vùng quê đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo đổi thay ở xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh Hoàng Hiệp)
Diện mạo đổi thay ở xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh Hoàng Hiệp)

Đồng hướng là một trong nhiều xã thuần nông ở huyện Kim Sơn. Khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một bộ phận cán bộ thôn, xóm và người dân ở đây từng có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Với cách làm sáng tạo, cán bộ thôn, xã đi từng ngõ tuyên truyền, đến từng nhà giải đáp thắc mắc, từ đó người dân xã Đồng Hướng thấy rõ lợi ích: "dân biết, dân bàn, dân làm và tự kiểm tra, giám sát" các công trình xây dựng nông thôn mới, sẽ khắc phục được tình trạng tham nhũng "vặt" và những tiêu cực khác.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, người dân xã Đồng Hướng vẫn tự giác đóng góp trong hai năm (2020-2021) gần 27 tỷ đồng, chiếm khoảng 28% kinh phí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Đồng Hướng. Đến nay, hầu hết tuyến đường thôn, xóm của xã được mở rộng, trải thảm nhựa, có hệ thống chiếu sáng; các nút giao cắt có biển báo giao thông, camera an ninh.

Hơn hai năm qua, chính quyền xã Đồng Hướng còn quan tâm đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình nhà văn hóa thôn; quy hoạch lại vùng sản xuất lúa chất lượng cao; vùng nuôi trồng thủy sản; khu trang trại chăn nuôi tập trung; xây dựng nhiều bồn hoa, đường hoa chạy theo các trục đường thôn, xóm. Các thôn thành lập tổ thu gom rác thải hoạt động thường xuyên; kết hợp hỗ trợ các hộ dân phân loại rác thải tại chỗ.

Bà Đỗ Thị Láng, ở xóm 13 cho biết: "Thôn, xóm của xã bây giờ sạch đẹp; các tuyến đường, ngõ đều có tên; lợi ích từ phong trào xây dựng nông thôn mới rõ rệt, thu nhập người dân ngày càng cải thiện. Con cháu đi xa về thăm quê cũng thấy tự hào".

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: "Đến nay, Ninh Bình có 7 trong số 8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó tất cả 119 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 275 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu".

Từ việc phát huy vai trò "dân biết, dân bàn, dân làm và tự kiểm tra, giám sát", phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình đã lan tỏa mạnh mẽ khắp các vùng nông thôn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng nguồn lực huy động toàn xã hội thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình là hơn 49.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn do nhân dân đóng góp chiếm khoảng 26%.

Ngoài ra, người dân còn hiến gần 1.200ha đất và hơn 413.000 ngày công xây dựng nông thôn mới; nhiều người tích cực tham gia xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng nếp sống văn minh trong việc hiếu, hỉ, làm cho nhiều vùng nông thôn trở thành những miền quê đáng sống.

Dồn sức xây dựng nông thôn mới ảnh 1
Cơ sở vật chất phục vụ phát triển giáo dục ở xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) được củng cố. (Ảnh HOÀNG HIỆP)

Huyện Hoa Lư là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Ninh Bình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bà Hoàng Thị Xuân, ở thôn Thanh Hạ, xã Ninh Hòa cho biết: Là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, thôn Thanh Hạ luôn duy trì vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, nhà văn hóa vào thứ 7 "sạch" hằng tuần. Chi bộ thôn có nhiều đảng viên tuổi cao gương mẫu tham gia các phong trào do thôn, xã phát động. Sự đồng thuận ấy có được là do cấp ủy, chính quyền luôn chú trọng phương châm "lấy dân làm gốc", nhất là trong việc duy trì giữ vững danh hiệu xây dựng nông thôn mới.

Tại một số xã khác của huyện Hoa Lư, như xã Ninh Vân được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, người dân xác định kết quả nêu trên chỉ là thành tích bước đầu. Đây là xã có nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác sản xuất đá mỹ nghệ, gây ra nhiều bụi bẩn, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Do vậy, chính quyền xã luôn chú trọng vận động doanh nghiệp, người dân tập trung cải thiện, nâng cao các tiêu chí môi trường. Khác với Ninh Vân, xã Trường Yên ở huyện Hoa Lư lại có thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ.

Hằng năm, xã đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. Từ đó, việc nâng cao tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Trường Yên lại hướng đến xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, môi trường du lịch "xanh-sạch-đẹp", tạo sức hút đối với khách du lịch, tăng thu nhập cho người dân.

Từ cách làm sáng tạo ở các xã nêu trên giúp huyện Hoa Lư hướng đến xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí mới, phấn đấu năm 2022 có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; từ 1 đến 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 10 thôn, xóm trở lên đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Các cấp ủy, chính quyền huyện Hoa Lư đã xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại. Đối với huyện Kim Sơn là đơn vị cuối cùng chưa đạt chuẩn của tỉnh Ninh Bình cũng đang dồn sức hoàn thiện các tiêu chí trong năm nay.

Năm 2022 là năm đầu Ninh Bình thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, theo hướng phát triển toàn diện, bền vững; kết hợp nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển của tỉnh. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình cho thấy hai vấn đề mà các địa phương trong cả nước cần phát huy.

Trước hết là cấp ủy, chính quyền phải giữ đúng vai trò định hướng, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hóa. Kế tiếp là xác định rõ chủ thể xây dựng nông thôn mới phải là người dân tham gia bàn bạc, đóng góp, kiểm tra, giám sát. Nơi nào người dân đồng thuận, tích cực vào cuộc, thì nơi đó khơi dậy được tiềm năng, nguồn lực xã hội, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả thiết thực, bền vững.

Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: Một số nơi xây dựng cơ sở hạ tầng dàn trải; việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng miền núi, bãi ngang ven biển chậm; đời sống, thu nhập của người dân có nâng cao, nhưng chưa đồng đều; môi trường nhiều vùng nông thôn có chuyển biến tích cực, song một số nơi vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng, chậm được giải quyết; chất lượng đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn nông thôn mới hạn chế; cơ sở hạ tầng ở một số nơi sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có tình trạng xuống cấp, chưa được quan tâm sửa chữa kịp thời.

Nông nghiệp phát triển chưa tương xứng, tốc độ tăng trưởng chưa cao do thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn...

Do vậy, Ninh Bình cũng như các địa phương trong cả nước cần huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm việc xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu; tiếp tục phát huy vai trò "dân biết, dân bàn, dân làm và tự kiểm tra, giám sát" trong xây dựng nông thôn mới hướng đến văn minh, hiện đại.