Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan mọi người dân, thời gian qua cấp ủy các cấp ở nhiều địa phương thường xuyên chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Cán bộ luôn luôn đi đầu
Xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn là một trong số ít địa phương của tỉnh Hà Tĩnh sớm đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2014). Tuy nhiên, từ năm 2015 đến 2020, nơi đây không giữ được phong trào. Đảng bộ có dấu hiệu mất đoàn kết, lòng tin của nhân dân giảm sút. Nguyên nhân chủ yếu do vai trò của người đứng đầu không được phát huy, giải quyết công việc của dân không kịp thời, dứt điểm.
Tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, trên tinh thần nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật, đại hội đã bầu Bí thư Đảng ủy và Phó Bí thư Đảng ủy (sau đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã) đều là nhân sự mới.
Ngay sau đại hội, Đảng ủy xã tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm. Điển hình là việc một hộ dân nhiều lần phản ánh bức xúc tại các cuộc tiếp xúc cử tri, rồi tại huyện, tỉnh, thậm chí gửi đơn khiếu nại về đất đai tới Trung ương. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã có gần 15 lần cùng cán bộ chủ chốt đến nhà gặp gỡ người dân trực tiếp trao đổi, tìm hiểu nguồn cơn khiếu kiện, rồi bằng lý lẽ và tình cảm đã thuyết phục được các bên thỏa ước, hòa giải, đồng thuận ký vào hồ sơ để làm giấy chứng nhận quyền sở hữu đất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồ Phạm Tuấn cho biết thêm: Phát huy quyền làm chủ của người dân, xã đã có những quyết sách mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đó là tập trung chỉ đạo, phát động bà con đoàn kết tương hỗ, cùng nhau đưa nghề nuôi hươu trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của xã thấp hơn mức nghèo bình quân chung của tỉnh. Toàn xã hiện có hơn 2.100 con hươu cho sản lượng bình quân 1,2 tấn nhung hươu/năm, ước đạt giá trị hơn 13 tỷ đồng; xuất 700 hươu giống/năm ước đạt 10 tỷ đồng; hình thành nhiều cơ sở chế biến nhung hươu.
Từ năm 2021 đến nay, cán bộ, đảng viên, công chức xã với phong trào “Đồng hành thứ bảy cùng bà con xây dựng nông thôn mới” đã thúc đẩy xây dựng được 5 trong tổng số 7 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu.
Thị trấn Phố Châu từ lâu tạo được nền nếp về giờ làm việc. Cán bộ, công chức đến trụ sở, cơ quan trước 5 phút, riêng đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn đến trước 10 phút.
Đồng chí Bùi Hải Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã chia sẻ: Việc đến trước là nhằm chủ động trong công việc, tránh tình trạng cán bộ, công chức đủng đỉnh trong khi người dân có việc cần giải quyết ngay từ đầu giờ. Thực hiện việc “biển treo cửa phòng” đối với tất cả các phòng của trụ sở thị trấn cũng là cách làm hay được nhân dân ghi nhận.
Cụ thể, khi cán bộ đi họp thì treo biển “ĐI HỌP” và số điện thoại liên hệ. Nếu đi cơ sở thì treo biển “ĐI CƠ SỞ” và số điện thoại liên hệ. Một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận được người đứng đầu Đảng ủy và chính quyền thị trấn Phố Châu duy trì nghiêm túc là thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư.
Theo đồng chí Bùi Nhân Sâm, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn, việc tham dự sinh hoạt với chi bộ khu phố, thôn, xóm trên địa bàn như ở thị trấn Phố Châu thời gian qua đã đem lại nhiều kết quả. Cán bộ nghe nhiều hơn, học được nhiều hơn, nắm vững tình hình cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Thị trấn còn là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình “Ngày thứ năm không hẹn, không viết”. Khi tổ chức, cá nhân đến thực hiện các thủ tục hành chính vào ngày thứ năm hằng tuần, nếu đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định, công chức tiếp nhận xử lý hồ sơ, trình lãnh đạo ký và trả kết quả ngay trong ngày (không viết giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả). Cách làm này được áp dụng đối với một số thủ tục nhất định có thể rút ngắn được thời gian…
Cán bộ, đảng viên xã Sơn Châu giúp các hộ dân xây dựng lại tường rào sau khi hiến đất mở rộng giao thông thôn, xóm. |
Chia sẻ khó khăn của nhân dân
Cấp trên nêu gương, cấp dưới noi gương thúc đẩy sự chuyển biến tích cực trong công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều địa phương, đơn vị và đã đem lại những hiệu quả rất thiết thực.
Mới đây, có dịp tham dự buổi gặp mặt, đối thoại giữa các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Nam Định với các doanh nhân, doanh nghiệp, chúng tôi thấy nhiều ý kiến, mong muốn của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh lắng nghe, ghi nhận, xem xét chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề, như: tăng hạn mức cho doanh nghiệp vay và đẩy nhanh tiến độ giải ngân; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói vay mở rộng với lãi suất ưu đãi; cho phép doanh nghiệp tự điều chỉnh thay đổi công năng, hiệu suất đầu tư nhà xưởng trong khuôn khổ 60% tổng diện tích quỹ đất dự án mà không cần làm lại hồ sơ, thay đổi giấy phép; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định tự động hóa hệ thống phòng cháy, chữa cháy;...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc khẳng định tỉnh luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, bảo đảm môi trường tốt nhất để doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Nam Định. Tỉnh tiếp tục chú trọng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh hành vi sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, hiện có 52,29% dân số là đồng bào có đạo. Ðảng bộ huyện có 8.161 đảng viên; trong đó 854 đảng viên là người Công giáo.
Từ đầu năm đến nay, toàn Đảng bộ kết nạp được 207 quần chúng ưu tú, trong đó 55 đồng chí là đồng bào có đạo, đạt 103% chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2022.
Tuy nhiên, huyện vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong công tác phát triển đảng, như: phần lớn thanh niên đi học tại các trường cao đẳng, đại học, học nghề, đi làm xa hoặc làm trong các công ty, doanh nghiệp...
Đồng chí Đinh Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn chia sẻ: Một trong những giải pháp được huyện thường xuyên quan tâm là đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, trước hết là đổi mới trong nhận thức và hành động của người đứng đầu. Chúng tôi tuyên truyền sâu rộng, phân tích để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm, mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên, làm cho mọi người hiểu hơn về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách về tôn giáo tín ngưỡng, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước...; bố trí luân chuyển cán bộ có năng lực trong công tác dân vận về các cơ sở có đông đồng bào theo đạo nhằm củng cố hệ thống chính trị vùng giáo; tập trung củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng. Hằng năm, huyện tổ chức từ 4 đến 5 lớp nhận thức về Đảng tại vùng có đông đồng bào có đạo, tạo điều kiện cho quần chúng tham gia.
Theo đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, qua hơn 35 năm đổi mới, công tác dân vận của hệ thống chính trị của nước ta đã góp phần rất quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của Nhà nước tiếp tục được củng cố, tăng cường. Những bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác dân vận của Đảng được ghi nhận, khẳng định toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ. Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác dân vận ở nhiều nơi cho thấy bên cạnh những kết quả, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Nhận thức về công tác dân vận chính quyền của người đứng đầu chưa đầy đủ, còn cho rằng công tác dân vận là của cấp ủy đảng, của ban dân vận, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Ý thức trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy. Công tác cải cách hành chính có nơi chưa thật sự được quan tâm; thực hiện kỷ luật, kỷ cương, Quy chế dân chủ ở cơ sở còn lỏng lẻo.
Thực tiễn nói trên đòi hỏi công tác dân vận phải tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo nên sức mạnh to lớn từ sự đồng thuận của nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.