Tối 5/8, ông H. ăn tiết canh hấp chín tại nhà hàng xóm, đến 2 giờ sáng 6/8 thì ông bắt đầu có các triệu chứng sốt cao, nôn và đi ngoài phân lỏng nhiều lần, người mệt lả.
Khoảng 10 giờ ngày 6/8, ông H. mệt nhiều, khó thở, người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa điều trị.
Đến chiều tối 6/8, ông H. nổi ban tím toàn thân, khó thở, tím tái, tiếp xúc chậm và được chuyển xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp tục điều trị với tình trạng ngày càng nặng hơn.
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chẩn đoán ông H. bị sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, suy đa tạng, rối loạn đông máu, cấy máu phát hiện vi khuẩn Streptococcus suis (liên cầu lợn).
Thanh Hóa: Một người tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn
Tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), ông H. được điều trị tích cực, an thần, thở máy, vận mạch liều cao, kháng sinh phối hợp, truyền máu và lọc máu liên tục.
Tuy nhiên, đến sáng 9/8, tình trạng bệnh của ông H. ngày càng diễn biến rất xấu, huyết áp tụt không đo được dù đang duy trì vận mạch liều cao, ban hoại tử rải rác toàn thân, tiên lượng tử vong gần. Người nhà xin cho ông H. về nhà, không tiếp tục điều trị, chiều 9/8, ông H. đã tử vong tại nhà.
Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người không nên ăn tiết canh, kể cả tiết canh đã hấp và thực phẩm chưa được nấu chín.