Từ Tổng hành dinh nhớ về đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 này cũng là thời điểm tròn 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn). Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã lựa chọn những tư liệu tiêu biểu nhất về đường Trường Sơn để giới thiệu với công chúng trong triển lãm "Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại".
0:00 / 0:00
0:00
Các chiến sĩ thế hệ hôm nay nghe giới thiệu về lịch sử hào hùng của thế hệ trước trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Các chiến sĩ thế hệ hôm nay nghe giới thiệu về lịch sử hào hùng của thế hệ trước trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Tại triển lãm, hơn 100 tư liệu, hình ảnh về đường Trường Sơn được giới thiệu đến công chúng tại di tích Nhà và Hầm D67 - Tổng hành dinh của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (thuộc khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long).

Sau Hiệp định Geneva (tháng 7/1954), đất nước ta bị chia cắt, liên lạc giữa hai miền nam-bắc hết sức khó khăn, không thể đáp ứng được yêu cầu chi viện lớn về nhân lực, vật lực cho chiến trường miền nam của bối cảnh những thách thức, yêu cầu đặt ra của cuộc kháng chiến ngày càng phát triển.

Từ thực tế đó, để giữ vững liên lạc, bảo đảm sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương đến cách mạng miền nam, bảo đảm sự chi viện cho chiến trường miền nam, Trung ương quyết định thành lập Đoàn 559 (ra đời ngày 19/5/1959). Đoàn 559 có nhiệm vụ triển khai các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không… để bảo đảm hoạt động của tuyến đường.

Khe Hó-địa danh nằm ở một thung lũng phía tây nam huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) trở thành điểm xuất phát của tuyến đường. Con đường có những tên gọi khác nhau như: Đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh hay Đường 559 (theo tên gọi của Đoàn 559).

Triển lãm "Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu hơn 100 hiện vật, hình ảnh là những nội dung cô đọng nhất về sự ra đời của tuyến lửa Trường Sơn, sức sống mãnh liệt của con đường qua mưa bom bão đạn của quân địch. Toàn bộ hình ảnh, tư liệu được chia làm hai chủ đề: Tuyến chi viện chiến lược cho miền nam và Con đường huyền thoại.

Với những thông tin, hình ảnh sống động về sự sáng tạo của quân dân ta, sự khốc liệt của bom đạn Mỹ, những tấm gương anh hùng trong gìn giữ tuyến "đường máu" Trường Sơn…, triển lãm khiến người xem thật sự xúc động. Qua những tư liệu, hình ảnh được trưng bày, công chúng được biết đến sự phức tạp của đường Trường Sơn-con đường mà phía Mỹ phải thừa nhận là "mê cung" khổng lồ.

Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: "Trong những nhân tố dẫn đến chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn là một trong những nhân tố quyết định. Những năm đầu, tuyến đường là những lối mòn nhỏ để bảo đảm vận tải vào miền nam. Dần dần, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Bác Hồ, tuyến đường ngày càng được mở rộng, giúp cách mạng đẩy mạnh chi viện cho miền nam. Từ đường mòn, lối mở nhỏ vận chuyển thô sơ, đến năm 1964-1965, ta mở rộng vận chuyển cơ giới. Ban đầu là vận chuyển một chiều, rồi vận chuyển hai chiều. Khi quân đội Mỹ ném bom phá hủy con đường, gây khó khăn cho công tác liên lạc, vận tải, từ hệ thống đường phía Đông Trường Sơn, ta mở ra đường Tây Trường Sơn sang phía nước bạn Lào".

Toàn tuyến đường có những trục dọc và hàng trăm đường xương cá nối với các trục dọc đó. Tổng chiều dài của con đường vào khoảng 20.000 km. Quân số lúc đông nhất phục vụ tuyến đường lên tới 120.000 người gồm các lực lượng: Vận tải, kho trạm, công binh, phòng không, bộ binh, quân y, thông tin và thanh niên xung phong… Trong suốt 16 năm tồn tại từ năm 1959 đến 1975, qua tuyến đường này, 1,5 triệu tấn vật chất gồm vũ khí, lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế… đã được vận chuyển, đưa hơn 2 triệu lượt người hành quân từ hậu phương lớn miền bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền nam, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thiếu tướng Võ Sở, Trưởng ban Liên lạc bộ đội Trường Sơn chia sẻ: "Trong suốt nhiều năm, bộ đội Trường Sơn phải đương đầu cuộc chiến đấu ác liệt. Nhưng bộ đội Trường Sơn vượt qua khó khăn, bảo đảm cho tuyến đường thông suốt là nhờ sự mưu trí và dũng cảm".

Những câu chuyện về con đường huyền thoại được kể trong không gian khu di tích Nhà và Hầm D67. Đây là Tổng hành dinh của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp và ra những quyết định quan trọng. Bởi thế, những câu chuyện về đường Trường Sơn càng trở nên ý nghĩa.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: "Những ngày tháng 4 và tháng 5 này chúng ta đang kỷ niệm những sự kiện trọng đại của đất nước. Ngoài Ngày giải phóng miền nam 30/4, thì năm nay tròn 65 năm đường Trường Sơn ra đời. Chúng tôi tổ chức triển lãm về đường Trường Sơn để công chúng có thể thấy sự kết nối giữa Tổng hành dinh và mặt trận. Qua đó, hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Triển lãm sẽ mở cửa từ nay đến hết tháng 5/2024, giúp công chúng, nhất là lớp trẻ hiểu thêm về những hy sinh, những chiến công của cha ông để có nền hòa bình độc lập như hiện nay".