Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, từ năm 2023 đến nay, thành phố Hà Nội đã có gần 526.200 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét có 326.110 lượt hộ đạt tiêu chuẩn, chiếm 62% so với số hội viên đăng ký.
Thành phố duy trì 206 câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở, tạo diễn đàn cho nông dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời ra mắt câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố và tại các huyện Quốc Oai, Ba Vì, Ứng Hòa, Thạch Thất...
Các cấp Hội Nông dân thành phố đã phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức về kỹ năng thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến cho hơn 251.700 lượt cán bộ, hội viên nông dân; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hơn 53.800 lượt cán bộ, hội viên, nông dân...
Vận động, hướng dẫn thành lập mới được 792 tổ hợp tác với hơn 6.680 thành viên và 59 hợp tác xã với hơn 1.060 thành viên; hướng dẫn thành lập được 27 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề, nhân cấy nghề cho hơn 12.200 hội viên nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp.
Hội Nông dân thành phố đã ký, triển khai thỏa thuận hợp tác với Bưu điện thành phố để tổ chức đưa hơn 1.870 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử; duy trì và thành lập mới các điểm kết nối tiêu thụ nông sản an toàn với 67 cửa hàng giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm...
Ðáng chú ý, năm 2023 lần đầu tiên Hà Nội đã xuất khẩu nông sản đạt giá trị 1 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm 2024, sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của thành phố được hơn 800 triệu USD và chắc chắn năm nay, Hà Nội sẽ xuất khẩu vượt kết quả năm 2023. Ngoài ra, sản phẩm làng nghề cũng xuất khẩu tốt, đem lại nguồn thu lớn cho người sản xuất. Các làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng đã đưa sản phẩm vào mạng lưới các làng nghề thủ công mỹ nghệ thế giới, mở ra hướng đi cho xuất khẩu sản phẩm…
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của thị trường Thủ đô. Diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, nhất là hơn 29.000ha đất bãi sông màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn bị bỏ hoang lãng phí.
Tại hội nghị đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2024, với chủ đề “Phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định: Ðất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giai cấp nông dân cần thích ứng với thời đại.
Từ xưa, nông dân vẫn có suy nghĩ nhỏ, làm việc nhỏ, nay nông dân phải nghĩ lớn và làm lớn. Nông dân Hà Nội sản xuất không chỉ để phục vụ thị trường khoảng 10 triệu dân của Thủ đô, mà còn hướng tới thị trường toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cũng cho biết, định hướng của thành phố đến năm 2030, nông nghiệp phải là nông nghiệp sạch, từ đất, nước đến không khí... Hà Nội phải tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu nông sản và làng nghề. Nông dân phải biết “thổi hồn” vào sản phẩm, phải có câu chuyện cho sản phẩm nông sản và làng nghề. Các sản phẩm phải có chứng nhận và phải xây dựng được thương hiệu “made in Hanoi”.
Ðồng chí Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố sẽ có kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn cụ thể tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó trước hết tập trung làm tốt công tác quy hoạch và hỗ trợ nông dân trong vùng quy hoạch để cung không vượt cầu. Thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nông dân và các cấp Hội Nông dân vươn lên. Bên cạnh đó, mỗi nông dân, mỗi làng nghề cũng cần có sự thay đổi, suy nghĩ mình là nông dân Thủ đô để tạo ra sự khác biệt từ cách nghĩ đến cách làm để đạt những kết quả cụ thể.