Điểm nhấn từ công tác cán bộ

Xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt và quyết liệt để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ðiều này không chỉ giúp thành phố thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, mà còn chuẩn bị tốt nhân sự cho nhiệm kỳ tới.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Ðảng ủy xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) Trương Ðại Dương (người đứng) chủ trì họp giao ban để nắm bắt thông tin từ cơ sở. (Ảnh HỮU HẢI)
Bí thư Ðảng ủy xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) Trương Ðại Dương (người đứng) chủ trì họp giao ban để nắm bắt thông tin từ cơ sở. (Ảnh HỮU HẢI)

Bài 1: Khi cán bộ chủ chốt không phải người địa phương

Một trong những điểm nhấn của Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay là việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Một việc khó, vốn là điểm nghẽn, khi được giải quyết tốt đã tiếp thêm nguồn lực phát triển từ cơ sở.

Ðã có thời gian, xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) nằm trong diện “theo dõi” của thành phố bởi nhiều vấn đề trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, dẫn đến nội bộ mất đoàn kết.

Không còn tình trạng nể nang, né tránh

Huyện ủy Phú Xuyên đã điều động đồng chí Trương Ðại Dương, Huyện ủy viên, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện về làm Bí thư Ðảng ủy xã Minh Tân. Ngay sau khi về nhận nhiệm vụ, bên cạnh việc kiện toàn công tác cán bộ, Bí thư Ðảng ủy xã Trương Ðại Dương đã cùng Thường trực Ðảng ủy tập trung nắm bắt tình hình, chỉ đạo xử lý những vấn đề còn tồn tại trên địa bàn.

“Sau khi trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, với những việc chưa được giải quyết tốt, Thường trực Ðảng ủy mời chi ủy lên làm việc để tìm giải pháp phù hợp, hiệu quả”, đồng chí Trương Ðại Dương nói.

Có trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp là người nhà cán bộ chủ chốt, ngay khi biết thông tin, lãnh đạo xã kiên quyết ngăn chặn với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Từ vụ việc này đã tạo sức lan tỏa lớn, từ đó công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đã đi vào nền nếp.

“Khi cán bộ không phải người địa phương thì rất thuận lợi, nhất là trong việc xử lý những vi phạm, bởi nếu không kiên quyết xử lý thì những vi phạm sẽ nở nhanh như nấm”. Bí thư Ðảng ủy xã Minh Tân khẳng định. Nhờ ổn định tình hình cơ sở, xã Minh Tân đã không chỉ giải quyết tốt khó khăn, hạn chế, mà còn vươn lên là một trong những địa phương xuất sắc của huyện Phú Xuyên trong công tác xây dựng Ðảng cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Tương tự như xã Minh Tân, thời gian trước, tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhiều cán bộ xã bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Tháng 10/2022, ngay sau khi được điều động về làm Bí thư Ðảng ủy xã Tiền Phong, đồng chí Nguyễn Ngọc Liêm đã bắt tay ngay vào nắm bắt tình hình từ cơ sở, đồng thời tập trung xử lý những sai phạm tồn tại kéo dài.

Nổi cộm nhất là vụ việc chợ Yên, khi doanh nghiệp xây dựng chợ không đối thoại được với tiểu thương, trong khi công tác quản lý của chính quyền lại buông lỏng. Thường trực Ðảng ủy xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và kiên quyết thu hồi chợ Yên về xã quản lý. Ðến nay, vụ việc này đã được giải quyết dứt điểm. Cũng với cách làm ấy, hàng chục công trình vi phạm trật tự xây dựng cũng đã được chính quyền xã xử lý, giúp ổn định tình hình cơ sở, tăng thêm niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền.

Ðồng chí Nguyễn Ngọc Liêm cho rằng: “Thực tế cho thấy nhiều vụ việc phức tạp, nếu cán bộ chủ chốt là người địa phương, khi chung quanh là người thân, họ hàng sẽ rất khó xử lý vi phạm. Có không ít vụ việc đưa ra bàn rồi “gói lại”, nhất là sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Vì vậy, nếu là cán bộ ở nơi khác sẽ xử lý dứt điểm, không còn tình trạng nể nang, né tránh”.

Rất nhiều xã tại Hà Nội đã có chuyển biến rõ nét từ chủ trương bố trí, sắp xếp bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân xã không phải người địa phương của Thành ủy Hà Nội. Trước đây, việc điều động lãnh đạo giữa các xã với nhau rất khó, dẫn đến trì trệ, cản trở sự phát triển của địa phương. Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đánh giá, thực tế tại các nơi để xảy ra sai phạm, nội bộ mất đoàn kết hầu hết đều do năng lực cán bộ không đáp ứng yêu cầu.

Tạo thêm sức bật mới

Nhận diện rõ những hạn chế nêu trên, trên cơ sở Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quy định số 07-QÐ/TU ngày 17/11/2021 về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố” và đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 50% số bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân xã không phải là người địa phương.

Tuy nhiên chưa đến hết năm 2024, Hà Nội đã có 68,39% số bí thư cấp ủy, 61,13% số chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không phải người địa phương; 45,9% số cán bộ cấp xã là phó bí thư thường trực, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã không phải là người địa phương. Quan trọng hơn cả là sau khi luân chuyển, bố trí cán bộ, hầu hết các xã, thị trấn đều phát huy hiệu quả.

Vốn nhiều năm là lãnh đạo xã Khai Thái, Bí thư Ðảng ủy xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Văn Quân cho rằng, việc sang địa bàn mới sẽ giúp cán bộ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ hơn, bởi nếu ở lâu một vị trí sẽ dẫn đến sức ỳ, chưa kể cán bộ thân quen quá sẽ có tình trạng việc lớn, việc nhỏ đều có người gửi gắm, nhờ vả. “Hơn nữa những gì mình thấy thực hiện hiệu quả ở địa phương cũ thì có thể đưa ra bàn bạc, áp dụng ở xã mới sẽ rất tốt”, Bí thư Ðảng ủy xã Tri Thủy nói.

Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Minh Hải, “Thực tế, tại các nơi để xảy ra sai phạm, nội bộ mất đoàn kết, hầu hết đều do năng lực cán bộ không đáp ứng yêu cầu. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh chú trọng luân chuyển cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có năng lực, triển vọng phát triển; luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp phòng của huyện về làm bí thư, phó bí thư đảng ủy các xã, thị trấn; đồng thời điều chuyển lãnh đạo chủ chốt giữa các xã, thị trấn với nhau”.

Ðến nay, Mê Linh đã có 16 trong tổng số 18 bí thư đảng ủy xã không phải người địa phương, phát huy hiệu quả rất tốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Nhờ đó, thời gian qua, huyện đã tập trung giải quyết được một số việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm như chủ trương giải quyết đất dịch vụ; giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng khu Ao Cá, xã Tráng Việt; vận động nhân dân cơ bản đồng thuận để thực hiện giao mốc giới giai đoạn 1 dự án công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước…

Hay tại huyện Thanh Trì sau khi thực hiện luân chuyển, điều động, đã bố trí, sắp xếp 12 đồng chí bí thư đảng ủy, 10 đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân xã, thị trấn không phải người địa phương, đạt tỷ lệ 68,75%; 16/30 đồng chí phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã, thị trấn không là người địa phương. “Cán bộ chủ chốt không phải người địa phương đã thật sự phát huy hiệu quả, không chỉ hạn chế vi phạm, ổn định tình hình, mà còn tạo sức bật mới cho địa phương”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Cường đánh giá.

(Còn nữa)