"Tự quyết định vị thế của mình”

2016 là năm bản lề, chuyển giao giữa hai giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế, mặc dù kết quả kinh tế chưa thật mỹ mãn, nhưng phải khẳng định là khá tốt. Năm 2017, với những căn cứ pháp lý, nguồn lực, tính toán, tin rằng sẽ là năm đột phá. Giúp mình chỉ nhờ vào chính tay mình mà thôi! Dân tộc Việt Nam sẽ tự quyết định vị thế của mình. Đó là lời khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển (ảnh dưới) trong buổi trao đổi ý kiến với phóng viên Thời Nay, nhân dịp đầu Xuân Đinh Dậu 2017.

Cơ cấu lại là cơ hội để vận dụng những cái chúng ta đã có, tạo bước phát triển mới. Ảnh: NGUYỆT ANH
Cơ cấu lại là cơ hội để vận dụng những cái chúng ta đã có, tạo bước phát triển mới. Ảnh: NGUYỆT ANH

Phóng viên (PV): Tại Kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV vừa qua, QH đã quyết định thông qua Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, xin Phó Chủ tịch cho biết lý do của quyết định này?

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế nảy sinh từ việc chúng ta đang duy trì một mô hình tăng trưởng chưa hiệu quả. Thực tế, mô hình này cũng phù hợp một giai đoạn nhất định, nhưng đến nay không còn phù hợp xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới, kinh tế tri thức - thông minh dựa trên nguồn lực tri thức, chứ không phải là vốn, tài nguyên và lao động giá rẻ, trong đó có vấn đề phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, thậm chí có tình trạng “xin - cho”, thay vì nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực nội tại. Mặt khác, do giai đoạn 2011-2015, chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra nên cần phải tiếp tục một cách quyết liệt và hiệu quả hơn. Trong kỳ họp vừa rồi, QH thông qua Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các mục tiêu trong Đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2013-2020, khắc phục hạn chế trong thực hiện ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua, và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 86 của QH cũng như bối cảnh mới.

"Tự quyết định vị thế của mình” ảnh 1



PV: Có ý kiến cho rằng, muốn cơ cấu lại nền kinh tế cần nhìn thẳng vào khó khăn, thuận lợi. Năm 2017, cần xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại về cơ cấu nền kinh tế mà những năm gần đây đã để lại, nếu không, sang năm 2018, khi hội nhập sâu rộng hơn, Việt Nam sẽ thua trên sân nhà. Phó Chủ tịch nghĩ sao về ý kiến này?

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Cơ cấu nền kinh tế cũ của chúng ta chưa hợp lý, chưa bảo đảm yêu cầu thúc đẩy sự phát triển nên phải cơ cấu lại, phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Từ chỗ dựa vào vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ, dựa vào phát triển theo chiều rộng thì nay phải phát triển vừa rộng và sâu, nhưng sâu là chủ đạo. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải cơ cấu lại nền kinh tế. Khi cơ cấu lại thì phải có nguồn lực, mà trong điều kiện nợ công như hiện nay thì sẽ có khó khăn. Chúng ta cơ cấu lại trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và thông qua, trừ TPP. Rõ ràng đã hội nhập, với điều kiện hiện tại của chúng ta thì sẽ gặp khó khăn. Nhưng theo tôi, hội nhập là xu thế. Có thể chấp nhận thua ngay trận đầu nhưng về lâu dài thì sẽ phải thắng. Mà thắng chứ! Con người Việt Nam có ý chí mà. Mặt khác, chúng ta phải thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, chỉ có cọ xát thực tiễn, chúng ta mới phát triển và trưởng thành được. Cơ cấu lại nền kinh tế là một quá trình, không phải ngày một, ngày hai. Chúng ta không ngại, nhưng quan trọng là phải tạo ra môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng. Có môi trường tốt rồi, thì phải có con người thực hiện tốt, cán bộ thực hiện tốt, quyết tâm, nghiêm túc làm việc. Thành công hay không là do con người hết.

Còn thuận lợi, chúng ta đã có quá trình thực hiện nền kinh tế thị trường, tạo ra quy mô của nền kinh tế, tạo ra sức mạnh của nền kinh tế, tạo ra kinh nghiệm trong quản lý. Cơ cấu lại là vận hội, là cơ hội để vận dụng những cái chúng ta đã có, đã làm, đã đi qua nhằm tạo bước phát triển mới, tư duy mới, nhận thức mới. Chỉ khi chúng ta vào cuộc, thì mới thấy nảy sinh những vấn đề mới. Nhưng rõ ràng, cơ cấu lại là chúng ta có lợi nhiều hơn. Khó khăn chỉ là trước mắt.

PV: Nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra là thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề là ngân sách eo hẹp, khó khăn mà nhu cầu đầu tư vào hạ tầng lại rất lớn. Làm sao giải quyết được bài toán này?

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Trong tư duy của chúng ta lúc nào cũng cứ nghĩ nguồn lực từ ngân sách (NS) nhà nước (NN), nghĩ tới ”bầu sữa” NS nên bí. Nhưng rõ ràng câu chuyện này sẽ phải khác khi thực hiện cơ cấu lại. Thí dụ, tới đây làm tuyến đường cao tốc bắc - nam, nhưng NSNN chỉ bỏ ra một phần, phần còn lại sẽ huy động bằng BOT, bằng PPP... NSNN chỉ đầu tư cho những gì mà các thành phần kinh tế khác không tham gia, còn lại phải thực hiện theo cơ chế thị trường. Nếu chúng ta cứ bao cấp mãi thì sẽ không thể tạo đột phá trong nhiều lĩnh vực, không chỉ ở giao thông, mà cả y tế, giáo dục cũng thế, nếu cứ trông chờ vào NSNN thì không thể đáp ứng được. Có làm thế mới giảm gánh nặng cho NS. Có câu chuyện vui là chúng ta thích cơ chế thị trường nhưng lại không muốn thực hiện giá thị trường. Nhưng nếu chúng ta không làm được thế thì không được đâu.

PV: Một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được đưa ra trong Nghị quyết của QH là cơ cấu lại NSNN, khu vực công. Sắp tới QH sẽ siết chặt những việc này như thế nào để bảo đảm kỷ luật tài chính như Nghị quyết QH đề ra?

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Một yêu cầu bức thiết đang đặt ra là phải tiết kiệm, chống lãng phí. Đầu tiên, phải siết chặt kỷ luật tài chính. Tất cả những khoản chi tiêu phải đúng tiêu chuẩn, định mức và bảo đảm hiệu quả. Thí dụ, việc sử dụng xe công hay chi tiêu công thì cần phải tiêu chuẩn hóa. Việc Bộ Tài chính thí điểm giao sử dụng xe công nội bộ là một bước rất quan trọng. Bây giờ có quy định rồi nhưng mai sau phải khoán, thậm chí đưa vào lương. Chúng ta phải thực hiện cơ chế khoán kinh phí, khoán theo công việc, khoán đầu ra thì mới triệt để. Tới đây, sẽ sửa đổi Luật Quản lý tài sản nhà nước để làm sao tất cả tài sản nhà nước được quản lý một cách hiệu quả.

PV: Nhân dịp năm mới, xin Phó Chủ tịch QH chia sẻ dự báo về quy mô, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam năm 2017? Và đến năm 2020, khi kết thúc Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, quy mô, cơ cấu kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào?

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Khó khăn, thuận lợi, thách thức luôn đan xen. Nhưng điều rất mừng là chúng ta xác định được định hướng, mục tiêu, như “con thuyền biết bến bờ ở đâu”. Vấn đề còn lại là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào? Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn, kinh nghiệm cũng đã có rồi. Năm 2016, năm bản lề, mặc dù kết quả kinh tế chưa thật mỹ mãn, nhưng phải khẳng định là khá tốt. Năm 2017, với những căn cứ pháp lý, nguồn lực, tính toán, tôi cho rằng sẽ là năm đột phá. Năm 2017 là năm Đinh Dậu, năm con gà thông báo cho mọi người về một tương lai tươi sáng. Và con gà cũng biểu trưng cho sự cần cù, chăm chỉ. Giúp mình chỉ nhờ vào chính tay mình mà thôi. Dân tộc Việt Nam tự quyết định vị thế của mình. Tất nhiên, có dựa vào xu thế của thời đại giống như dòng nước, con thuyền đi trên dòng nước đừng đi ngược mà đi xuôi theo dòng nước, có gặp thác ghềnh cũng là đương nhiên. Chúng ta phải dám đối mặt.

Nếu như từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng của chúng ta đạt từ 6,5% trở lên liên tục, thì chúng ta sẽ thực hiện được việc cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi được mô hình tăng trưởng. Năm 2020, theo tôi, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp trung bình, đạt mục tiêu đề ra. Và bước vào năm 2021, chúng ta sẽ có tâm thế khác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch QH!

Nguyễn Hùng
(Thực hiện)