Những vấn đề nóng bỏng tính thời sự

Tháng 10-1947, thời điểm thực dân Pháp mở cuộc hành quân tiến công lên chiến khu Việt Bắc hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta cũng là thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, ký tên X.Y.Z. Tác phẩm được Nhà xuất bản Sự thật xuất bản lần đầu năm 1948.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tự đánh máy bản thảo tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tự đánh máy bản thảo tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Tác phẩm gồm sáu mục, đề cập những vấn đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng về xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, giáo dục, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, phê phán những sai lầm, hạn chế của các tổ chức Đảng, chính quyền, những khuyết điểm, thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

Không phải ngẫu nhiên mà giữa lúc nước sôi, lửa bỏng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành thời gian, tâm sức cho ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Những gì thể hiện trong tác phẩm quan trọng này đã tự nói lên phương pháp tư duy sáng suốt, cách nhìn rất thực tế của Hồ Chí Minh về thực tiễn cuộc cách mạng lúc đó để từ đó chỉ ra những vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng.

1. Trước hết đó là vấn đề xây dựng, củng cố Đảng (trích dẫn từ tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”), cần phải “sửa đổi lối làm việc của Đảng” để giữ vững “tư cách của đảng chân chính cách mạng”. Hồ Chí Minh khái quát tư cách của Đảng trong 12 điều cụ thể, phản ánh một cách cơ bản, dễ hiểu về bản chất, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động, các yêu cầu cơ bản của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Theo đó, “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Nguyên tắc của Đảng là xuất phát từ quần chúng, gắn bó chặt chẽ với quần chúng. Đảng phải chọn lọc những người trung thành, loại bỏ những kẻ “hủ hóa”, giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới, đoàn kết chặt chẽ. Người nhấn mạnh: “Đảng không che dấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”.

2. Nói về tư cách, yêu cầu “phận sự”, tức là trách nhiệm đối với đảng viên, Hồ Chí Minh nêu lên ba điểm chính: Trọng lợi ích của Đảng hơn hết, rèn luyện đạo đức theo 5 tính tốt - nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, và giữ kỷ luật. Theo Hồ Chí Minh, mục đích phấn đấu của Đảng là vì giải phóng nhân dân, vì lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vì thế, “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau”. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”. Đó cũng chính là vấn đề cốt lõi của đạo đức, vấn đề cốt lõi của nhân cách của cán bộ, đảng viên. Người nhấn mạnh: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

3. Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Do không rèn luyện tốt, không thực hiện được “chí công vô tư”, nên cán bộ, đảng viên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” như: Bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh, vô thực”, kéo bè, kéo cánh, bệnh cận thị, bệnh cá nhân, bệnh lười biếng, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua... Đối với mỗi thứ khuyết điểm, mỗi thứ bệnh mà người cán bộ đảng viên mắc phải trong quá trình công tác đều rất có hại, ảnh hưởng xấu đến chất lượng, hiệu quả thực thi các nhiệm vụ cách mạng, đến tư cách cán bộ, đến niềm tin của nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, việc sửa các khuyết điểm không khó, vấn đề là ở tấm lòng. Nếu tấm lòng ta trong sáng, nếu ta có quyết tâm cao, nếu mỗi cán bộ, đảng viên “thật thà” “tự xét” mình và “xét đồng chí mình”, “ta đã thấy rõ những bệnh ấy” thì ta sẽ tìm cách chữa và chữa được. “Ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau”. Cách tốt nhất là dùng “Thang thuốc hay nhất” để khắc phục chủ nghĩa cá nhân, sửa chữa khuyết điểm là “thiết thực phê bình và tự phê bình”.

4. Đối với công tác huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “... cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Đây là một nhận thức rất quan trọng của Người về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người chỉ ra bốn phương diện cần huấn luyện cho cán bộ: nghề nghiệp, chính trị, văn hóa và lý luận. Huấn luyện nghề nghiệp bao gồm năm môn: Điều tra, Nghiên cứu, Kinh nghiệm, Lịch sử và Khoa học. Huấn luyện chính trị tức là giáo dục về thời sự và chính sách, nâng cao nhận thức chính trị - xã hội cho cán bộ. Huấn luyện văn hóa tức là giáo dục nâng cao trình độ kiến thức phổ thông, trình độ hiểu biết nói chung. Huấn luyện lý luận tức là giáo dục nhận thức về nền tảng tư tưởng, về kinh nghiệm cách mạng các nước để vận dụng ngay vào thực tế, giải quyết các nhiệm vụ cách mạng. Về bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh chỉ ra các yêu cầu như: Phải biết rõ cán bộ, cất nhắc một cách đúng đắn, khéo dùng cán bộ theo năng lực, bố trí cán bộ hợp lý, phải giúp đỡ, động viên và bảo vệ cán bộ.

5. Xuất phát từ nhận thức “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên năm điểm chính trong chính sách cán bộ là: hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ và phê bình cán bộ. Đây thực chất là những yêu cầu rất cơ bản trong công tác cán bộ. Đối với từng yêu cầu, Hồ Chí Minh chỉ ra các khuyết điểm, hạn chế, phân tích nguyên nhân, tác hại của những khuyết điểm đó và đưa ra giải pháp khắc phục. Thí dụ, đối với yêu cầu “khéo dùng cán bộ”, khuyết điểm thường thấy là ham dùng người thân quen, thích nịnh, tránh người không hợp tính. Những khuyết điểm ấy sẽ để lại hậu quả nặng nề, vì vậy phải sửa bằng cách: “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “khiến cho cán bộ có gan phụ trách” và “phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới”.

Từ thực tế hoạt động của Đảng và tình hình cán bộ, đảng viên soi vào những yêu cầu, nguyên tắc của Đảng và yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ ra những vấn đề đang đặt ra cho công tác xây dựng Đảng. Những vấn đề đó chủ yếu là những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác của Đảng, những khuyết điểm, sai lầm của các đảng viên, cán bộ có trách nhiệm trong các tổ chức Đảng và chính quyền. Đó là: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, bệnh thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh kéo bè, kéo cánh... Chính từ những vấn đề đó là nguyên nhân mà Người yêu cầu phải “kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta”.

6. Hồ Chí Minh dành toàn bộ mục thứ 5 để trình bày về nội dung, phương pháp, phong cách và các kỹ năng lãnh đạo.

Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo có ba khâu: 1) Quyết định mọi vấn đề cho đúng, có nghĩa là xác định mục tiêu, nhiệm vụ cần làm, 2) Tổ chức sự thi hành cho đúng, 3) Kiểm soát cho đúng. Lãnh đạo đúng nghĩa là thực hiện đúng cả ba khâu công việc đó. Muốn thực hiện đúng các khâu công việc đó thì phải dựa vào dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ với dân, luôn biết xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, đặc điểm tình hình của dân, lấy dân làm lực lượng thực hiện, coi lợi ích của dân làm mục tiêu hành động.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đời từ 70 năm trước nhưng đến hôm nay vẫn nóng bỏng tính thời sự. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm không chỉ cho thấy những dự báo, đánh giá và giải pháp sáng suốt nhưng rất thực tế của Người. Mặt khác, đó cũng chính là những cơ sở, gợi ý bổ ích về phương pháp luận cho chúng ta trong việc chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng lãng phí hiện nay.