Sức sống Việt Nam qua Đổi mới  

Từ Ất Dậu 1945 đến Đinh Dậu 2017 này, cách mạng Việt Nam đã trải qua một chặng đường lịch sử rất đáng tự hào.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.Ảnh: Hải Nam
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.Ảnh: Hải Nam


Có bốn điều thần kỳ thường được nói tới: Cách mạng Tháng Tám. Kháng chiến chống thực dân Pháp. Kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Và Đổi mới ngày nay.

Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng vĩ đại, mở ra cho dân tộc ta kỷ nguyên độc lập, tự do. Hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh chẳng những đánh thắng hai đế quốc to, bảo vệ được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà còn góp phần cùng nhân dân các nước làm phá sản chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên toàn cầu. Đổi mới là sự nghiệp khai phá con đường đi lên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đưa nhân dân ta hòa nhịp bước cùng thời đại.

Để có được những điều thần kỳ ấy, những thiên anh hùng ca bất tử ấy, dân tộc ta đã chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ. Biết bao mồ hôi, nước mắt và máu xương. Mỗi tấc giang sơn, một dòng máu đỏ. Đó không phải thi ca mà là sự thật. Không chỉ trong chiến tranh mà cả trong xây dựng hòa bình.

Nếu có ai hỏi: Những điều thần kỳ ấy bắt nguồn từ đâu, câu trả lời sẽ rất giản dị: Không phải từ một sức mạnh siêu nhiên nào đó. Cũng không phải từ bên ngoài đưa vào. Đó là từ những dòng máu, trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam, từ sức sống Việt Nam!

Sức sống Việt Nam qua Đổi mới   ảnh 1

Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao.

Đổi mới là con đẻ của cách mạng nước ta, ra đời năm 1986. Người mẹ khai sinh là Đại hội VI của Đảng.

Đổi mới sinh ra và lớn lên giữa lúc cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đang bùng phát dữ dội, tưởng chừng không có lối ra. Bằng một cuộc chiến đấu quyết liệt, trong 5 năm, Đổi mới đã giành được những thắng lợi bước đầu quan trọng. Có cơ sở để năm 1991, Đại hội VII của Đảng đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Thêm 5 năm nữa, tháng 7-1996, Đại hội VIII của Đảng khẳng định: Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Và từ nay, “chuyển sang thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Năm 2001, năm mở đầu thế kỷ mới, Đại hội IX của Đảng hoạch định “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010”, theo đó, phấn đấu đến năm 2010 đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, hướng tới năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Năm 2011, Đại hội XI của Đảng công khai tuyên bố: Nước ta đã thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Thế là trong vòng 25 năm, đổi mới đã giành được hai thành tựu ngoạn mục: 10 năm đầu, khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội. 15 năm tiếp theo, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Năm 2016, Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”. Đại hội cũng chỉ rõ: “Còn nhiều vấn đề phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn”.

Đề cập khả năng chưa thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đại hội đã quyết định dùng chữ “sớm” thay cho cụm từ “đến năm 2020”. Cách nhìn nhận như vậy là rất khách quan, thật sự cầu thị.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử Đại hội XII nêu lên là dựa trên cơ sở đánh giá toàn diện sự nghiệp đổi mới từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại; từ thực tiễn đổi mới đến lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; từ việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện.

Sự thật là qua 30 năm đổi mới, bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một cao.

Vài nét khái quát tôi nêu lên ở phần trên chỉ là để ghi lại những dấu mốc phát triển đáng nhớ. Có điều cần nói rõ thêm: Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, giữa lúc cải tổ, cải cách ở Liên Xô và Đông Âu nghiêng ngả, dư luận nước ngoài lại có cái nhìn thiện cảm với đổi mới ở nước ta, tin Việt Nam sẽ trở thành con Rồng, con Hổ trong tương lai. Đại diện một Đảng Cộng sản ở Đông - Bắc Á nói: “Đường lối đổi mới tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở công nhận sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế là con đường của người mở đường mới mẻ trong lịch sử”.

Với Đảng ta, đổi mới là một quá trình cách mạng, cũng lâu dài và gian khổ, không chỉ ngày một ngày hai. Không phải một cuộc dạo vườn xuân, chỉ có hoa thơm cỏ lạ. Đường đổi mới rộng thênh thang nhưng cũng gập ghềnh, khúc khuỷu. Cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau, có khi thách thức lớn hơn cơ hội.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) vừa ra ba nghị quyết chuyên đề rất quan trọng: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Cả ba nghị quyết ấy, bên cạnh thành tích, đã nói khá nhiều đến hạn chế, yếu kém. Về nguyên nhân, không đổ lỗi cho khách quan mà thẳng thắn vạch ra những khuyết điểm chủ quan. Nhấn mạnh cơ hội nhưng không coi thường thách thức. Cho rằng: “Những cơ hội và thách thức nêu trên có mối quan hệ qua lại và có thể chuyển hóa lẫn nhau. Cơ hội có thể trở thành thách thức nếu không được tận dụng kịp thời. Thách thức có thể biến thành cơ hội nếu chúng ta chủ động ứng phó thành công”.

Vậy sức mạnh nào có thể giúp ta làm được điều đó? Câu trả lời vẫn như trên. Đó là bản lĩnh, ý chí và quyết tâm của con người cộng với hành động quyết liệt, là sức sống Việt Nam!

Đinh Dậu 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nghị quyết Đại hội và các nghị quyết của các Hội nghị Trung ương tiếp theo phải được đặt lên hàng đầu.

Đổi mới cần một bước chuyển thật sự có ý nghĩa. Đất nước đòi hỏi sự cố gắng hết mình của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Bất giác tôi nhớ đến lời thơ của Bác Hồ chúc Tết năm Kỷ Dậu 1969, năm cuối cùng của Bác. Bác chúc:

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

Với hai đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris về Việt Nam - Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam - Bác cũng có mấy lời thơ chúc:

Xuân Gà túc tác đến nơi,

Gửi người thân thiết mấy lời mừng Xuân.

Gà Xuân túc tác rạng đông,

Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao.

Giờ đây, tiếng gà Xuân Đinh Dậu cũng đang giục giã chúng ta đó!

Xuân Đinh Dậu 2017