Học Bác từ cái tâm trong sáng

Trên thực tế số đông cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Người truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam, từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội do Người lãnh đạo.

Bác Hồ về thăm Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) năm 1957. Ảnh tư liệu
Bác Hồ về thăm Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) năm 1957. Ảnh tư liệu

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không có giới hạn, không có điểm cuối cùng. Bởi như Người đã dạy: Tu dưỡng đạo đức là việc suốt đời.

Một đoàn đại biểu đến từ Australia, vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu di tích Phủ Chủ tịch năm 1974, đã ghi vào Sổ Cảm tưởng những dòng rất sâu sắc: “Rất ít người đã hoặc sẽ làm được như Người, nhưng ai cũng có thể học được ở Người… để làm người cách mạng và người dân tốt hơn” (1).

Đúng vậy, ta không thể học Bác theo kiểu “bắt chước” được. Thí dụ vấn đề tiết kiệm, ta không thể nhân danh tiết kiệm để mà ngày mai mặc quần nâu, áo vá, đi dép cao-su… đến công sở làm việc. Mọi việc đều phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể. Thời kỳ cả nước có chiến tranh, hạt gạo, cân thịt đều phải dành dụm để gửi ra chiến trường. Thời kỳ đó cả nước đều thiếu thốn, mọi công chức, cán bộ, học sinh, sinh viên… đều coi việc mặc quần áo vá đi làm, đi học, đi họp là chuyện hết sức bình thường. Bản thân Bác cũng tự giác chấp nhận một cuộc sống như thế, theo một phương châm rất đỗi bình dân: lành cho sạch, rách cho thơm. Học đức tính tiết kiệm của Bác là phải hiểu thấu đáo quan điểm của Bác về chữ KIỆM. Theo Bác: kiệm là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, của cải vật chất và tinh thần cho nhân dân, không lãng phí, tiêu dùng hợp lý, nhằm mục đích mở rộng sản xuất và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Ngay ý tiêu dùng hợp lý của Bác cũng rất sâu sắc. Tức là nếu một việc đáng làm thì tốn bao nhiêu cũng phải làm, nhưng việc không nên làm thì dù một xu cũng không được chi. Tiết kiệm như thế thì hôm nay đúng, mai đúng và muôn đời vẫn đúng.

Chuyện rằng Bác về một tỉnh nọ để kiểm tra và động viên nông dân chống hạn. Một đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh được phân công đón Bác. Đồng chí đó mặc rất cẩn thận: quần âu, áo sơ-mi trắng, đi giày đen, thắt cravat. Ra tới cánh đồng, Bác tháo đôi dép cao-su, xắn ống quần nâu cao lên tới gối rồi lội xuống ruộng thăm hỏi bà con nông dân, trong khi đó đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh loay hoay chưa xử lý xong bộ quần áo rất “mốt” của mình. Trở lại bờ ruộng Bác nhẹ nhàng đặt tay vào nút thắt cravat của đồng chí Phó Chủ tịch, khẽ lắc lắc “Cái gì đây chú?”. Đồng chí Phó Chủ tịch cuống quá, sinh ra lắp bắp “thưa Bác đây là cái ca ca ca…vát ạ”. Bác nghiêm sắc mặt nhẹ nhàng nói: “Đây là cái quan cách mạng đấy chú ạ”.

Lần khác, Bác về thăm một tỉnh vùng biển. Ngồi trên phà Bác tủm tỉm cười chỉ cho đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Cục trưởng Cảnh vệ và đồng chí Thư ký Vũ Kỳ nhìn lên bờ thấy cảnh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và toàn thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất loạt mặc quần áo nâu, chân đi dép cao-su ra tận bến phà đón Bác. Xe vừa dừng, Bác ghé tai nói với đồng chí Bí thư đón Bác ở cửa xe: “Các chú đi đâu đấy?”. Đồng chí Bí thư nghiêm chỉnh báo cáo: “Dạ, thưa Bác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện quân dân chính đảng tỉnh ra đón Bác về thăm tỉnh ạ!”. Bác nhẹ nhàng nhắc nhở: “Đi đón nguyên thủ quốc gia về thăm tỉnh mà các chú ăn mặc lôi thôi thế à?” (Ghi theo lời đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Bảo tàng Hồ Chí Minh, kể năm 1982).

Hai chuyện trên đây cho thấy sự máy móc, sao chép giáo điều trong việc học và làm theo Bác. Các đồng chí đó chưa thật sự hiểu Bác. Bác của chúng ta giản dị nhưng rất tinh tế, trang phục, phát biểu luôn phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Trở lại với nhận xét của các bạn người Australia sau khi thăm khu di tích Phủ Chủ tịch, tôi cho rằng đó là một nhận xét xác đáng. Bởi vì khó ai có thể trở thành “bản sao” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được. Bản thân Bác cũng không muốn mọi người học Bác một cách máy móc, sao chép, mà học Bác là học phương pháp làm việc, suy nghĩ, hành động một cách biện chứng, khoa học; học Bác bằng cái tâm trong sáng, bằng tình người thủy chung; trước hết học Bác để làm việc có hiệu quả hơn và sống với nhau tốt hơn.

(1) TS Trần Viết Hoàn: “Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu Phủ Chủ tịch”, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2010, trang 66.