Với quan điểm giáo dục hiện đại, thay vì chỉ chạy theo thành tích điểm số, nhà giáo Lưu Thị Lập đã lựa chọn một hướng đi đòi hỏi sự kiên trì nhưng đem đến những giá trị giáo dục bền vững. Cô giáo hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hoàng Cầu cho biết: "Mục tiêu của nhà trường không chỉ là học sinh đạt điểm số cao mà tập trung vào phát triển nhân cách, giúp học sinh có khả năng tự học, tự quản lý cảm xúc và giải quyết vấn đề, các tình huống trong cuộc sống... Điều này không chỉ mang đến thành tích học tập bền vững, mà còn xây dựng được những cá nhân có tư duy độc lập, có lòng nhân ái và biết cách làm việc nhóm - những kỹ năng nền tảng để thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Đây chính là mục tiêu của mô hình Trường học hạnh phúc mà nhà trường đã kiên trì xây dựng, là điều kiện vô cùng quan trọng đối với giáo dục Việt Nam nói chung, ngành giáo dục Thủ đô Hà Nội nói riêng nhằm đào tạo ra những công dân khỏe mạnh về thể chất, tích cực về cảm xúc, phát triển về trí tuệ".
Chia sẻ về những kết quả đạt được sau nhiều năm theo đuổi mô hình này, nhà giáo Lưu Thị Lập cho biết, mô hình Trường học hạnh phúc đem đến không khí lớp học cởi mở và gắn kết hơn. Giáo viên và học sinh đều dành nhiều thời gian lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ nhau, từ đó xây dựng mối quan hệ bền vững và thân thiện. Các em học sinh học cách tôn trọng sự khác biệt và hiểu rằng học tập không chỉ là cạnh tranh mà còn là sự chia sẻ và hợp tác. "Lớp học ở trường chúng tôi thật sự như một gia đình", nhà giáo Lưu Thị Lập nhấn mạnh.
Không chỉ có học sinh, giáo viên mà ngay cả phụ huynh cũng cảm nhận rõ rệt sự thay đổi tích cực ở con em mình, nhất là sự vui vẻ và hài lòng trong học tập. Nhiều phụ huynh rất vui khi thấy nhà trường quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con em mình, và từ đó, họ tích cực tham gia vào các chương trình, hoạt động hỗ trợ do nhà trường tổ chức. Điều này tạo nên một mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Theo Hiệu trưởng Lưu Thị Lập, những thay đổi này cho thấy mô hình Trường học hạnh phúc không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần xây dựng cộng đồng học đường tích cực và bền vững.
Một trong những thách thức với các nhà quản lý giáo dục là những yêu cầu đổi mới liên tục, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như những biến động về tâm sinh lý học sinh dưới tác động của xã hội. Để mô hình Trường học hạnh phúc tại Trường trung học phổ thông Hoàng Cầu thích ứng và theo kịp thực tế nêu trên, thầy, cô giáo trong nhà trường luôn được chuẩn bị để có sự linh hoạt trong phương pháp dạy và học.
"Chương trình giáo dục mới đòi hỏi phương pháp giảng dạy sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm. Các giáo viên nên kết hợp các phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo như học dự án, học trải nghiệm giáo dục STEM và tự học để giúp học sinh khám phá kiến thức chủ động. Điều này không chỉ giúp học sinh tiếp thu nhanh mà còn tạo sự hứng thú và thoải mái, phù hợp với tiêu chí hạnh phúc".
Nhận thức về tầm quan trọng của việc nắm bắt, hỗ trợ kịp thời với những biến đổi tâm lý học sinh trong môi trường giáo dục, Trường trung học phổ thông Hoàng Cầu đã tận dụng ưu thế của công nghệ 4.0 để đi sâu vào việc nhận diện cảm xúc hằng ngày của mỗi chủ thể trong nhà trường thông qua App Hoàng Cầu-Happy school.
Từ đây ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ tư vấn tâm lý học đường để kịp thời có phương án hỗ trợ tâm lý giúp học sinh, nhằm hướng đến hệ giá trị cảm xúc tích cực và văn hóa học đường vững bền của trường học hạnh phúc, hình thành phẩm chất và năng lực cho thế hệ trẻ, những công dân Hà Nội thanh lịch, văn minh và hiện đại.
Nói về "bí quyết" xây dựng Trường học hạnh phúc, nhà giáo Lưu Thị Lập nhấn mạnh, xây dựng Trường học hạnh phúc là hành trình của sự thay đổi về nhận thức của các chủ thể trong nhà trường; thay đổi thói quen hành vi và cảm xúc để hướng đến bốn giá trị cốt lõi cho giáo viên, học sinh, phụ huynh và cả chính ban giám hiệu nhà trường, đó là: Yêu thương, an toàn, tôn trọng và tự hào.
Nhấn mạnh nền tảng xây dựng Trường học hạnh phúc là tình yêu thương, nhà giáo Lưu Thị Lập mong muốn được lan tỏa giá trị của mô hình này đến với nhiều học sinh, giáo viên hơn nữa. Với những thành tích này, mới đây, nhà giáo Lưu Thị Lập được vinh danh là tấm gương điển hình tiên tiến của phụ nữ Thủ đô năm 2024.