Trò Rối nước ở làng Nội Rối xưa

Hiện nay, nghệ thuật múa rối (rối nước, rối cạn) trên đất Hà Nam đã mai một, thất truyền, nhưng qua các thư tịch và lời kể của các bậc cao niên, trước kia ở một số địa phương trong tỉnh đã từng có phường rối hoạt động khá sôi nổi.
0:00 / 0:00
0:00
Tượng các đầu rối tại đình Chương Lương, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân.
Tượng các đầu rối tại đình Chương Lương, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân.

Theo các bậc cao niên trong làng, rối nước của làng Nội Rối, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân có từ bao giờ, không ai còn nhớ rõ. Chỉ biết, phường rối đã tồn tại hàng trăm năm và thất truyền vào khoảng những năm 40 của thế kỷ trước. Các bậc cao niên trong làng cho biết: Tên đầu tiên của làng là Phú Nội, từ khi làng có nghệ thuật múa rối nước, cho nên người dân lấy hai từ: “Nội” của tên làng cũ và “Rối” ghép lại đặt tên cho làng. Làng Nội Rối xưa đã xây dựng định lệ: Hằng năm từ ngày mồng một đến ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, làng mở hội với sự tham gia của 4 giáp. Cùng với tế lễ còn có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian: Hát chèo, đấu cờ tướng, leo cầu kiều, bắt vịt… Nhộn nhịp, đông vui nhất là múa rối nước ở ao đình.

Ðể tạo ra các con rối, dân làng đã chọn gỗ sung già, nhẹ và dễ nổi trên mặt nước. Gỗ sung phải có thớ mịn, không có vết sâu đục, không có mấu và không dễ gãy. Người thợ cưa gỗ thành những khúc vừa kích thước con rối, bóc vỏ và để cho gỗ khô dần. Các con rối sẽ bị sũng nước và mục nếu gỗ không được phơi thật khô.

Theo các bậc cao niên, trong nghệ thuật múa rối nước, vai trò tạo hình rất quan trọng. Tạo hình các con rối có hai công việc chính: Một là tạo hình bộ mặt, chân, tay và thân hình con rối bằng các loại gỗ thích hợp. Hai là mặc quần áo và trang điểm cho con rối qua việc vẽ mặt, hóa trang, phục trang. Ðạo cụ gắn bó phải thích hợp với nhân vật mà con rối đảm nhiệm. Cũng giống như nghệ thuật rối nước dân tộc, nghệ thuật rối nước làng Nội Rối vốn xuất thân từ những trò không lời, thu hút người xem bằng tài năng của các nghệ nhân tạo hình, nghệ nhân điều khiển.

Nghệ thuật rối nước làng Nội Rối được sinh ra từ cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống vì thế các nghệ nhân ở đây tận dụng triệt để âm nhạc của chèo trong biểu diễn. Nhạc cụ ở phường rối gồm: Bộ gõ: trống đại, trống trung, trống tiểu, thanh la, nạo bạt, mõ, chiêng. Bộ hơi: sáo, kèn (kèn tàu). Bộ dây: hồ, líu, nhị, đàn tranh, đàn tam.

Các tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân lôi cuốn dân làng không chỉ bởi những hình ảnh trên sân khấu mà còn bởi những âm thanh rộn rã của tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng sáo (trong các tiết mục Bật cờ, múa Lân, múa Tứ linh). Những làn điệu, khúc nhạc chèo khi vui tươi rộn rã (trong các tiết mục Xẩm xoan, Tứ quý, Lưu thủy, Sắp qua cầu, Sắp cổ phong), khi ngân nga da diết (như các điệu Vỉa, ngâm Sổng)…

Trong ký ức của nhiều bậc cao niên của làng Nội Rối, trước năm 1945 làng vẫn còn nhà rối (thủy đình). Do chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, một thời gian sau thủy đình đã bị hủy hoại, hiện chỉ còn nền, móng trên gò đất nổi giữa hồ nước phía đông đình. Thời đó, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người trong phường rối đã bỏ làng phiêu bạt khắp nơi, người ở lại chuyển sang làm công việc khác. Ðến nay, những người gắn bó và giữ bí quyết về nghề múa rối nước không còn. Xưa kia, nghệ thuật rối nước của làng chiếm một vị trí độc tôn trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây. Người dân thường gọi rối nước là trò “Ổi Lỗi”(tên cổ chỉ múa rối).

Tại đình Chương Lương, thôn Chương, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân hiện có thờ vị thần liên quan đến rối nước. Ðó là Ðệ tứ Thập bát Ổi Lỗi Văn Chất tôn thần. Ðây là một nhân vật kỳ tài, giỏi ca hát, diễn rối, diễn hề... Ngoài tượng vị thần này còn có 18 đầu rối. Trước kia, hằng năm tại làng Chương Lương có khá nhiều ngày tế lễ, hội làng, trong đó ngày 12/8 (âm lịch) kỷ niệm ngày sinh của Ðệ tứ Thập bát Ổi Lỗi Văn Chất tôn thần. Trong ngày lễ này, có nghi thức trình diễn 18 đầu rối kèm bài ca dân gian chúc tụng. Bức tượng vị thần đặt trang trọng trên ngai, rồi được rước quanh làng, sau đó là lễ rước 18 đầu rối.

Việc phát hiện, tìm hiểu về rối nước của làng Nội Rối cùng các nguồn tài liệu cổ, cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về nghệ thuật rối nước trên quê hương Hà Nam. Ðây cũng là cơ sở để các cơ quan văn hóa địa phương có biện pháp khôi phục, tiến tới lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa rối nước Nội Rối (Hà Nam) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.