Ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,31% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và miền Ðông Nam Bộ. Theo thống kê, cả nước có hơn 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxine.
Sau chiến tranh, nước ta đã rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn bao gồm rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Ðảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật khắc phục hậu quả bom mìn và trợ giúp người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn. Các công việc này đã và đang được các bộ, ngành và các địa phương triển khai tích cực.
Ðặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hòa nhập cộng đồng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản, trong đó có Nghị định số 20/2021/NÐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Quyết định số 1190/QÐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Quyết định 1942/QÐ-TTg ngày 18/1/2021 về phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2025...
Ðể chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1942/QÐ-TTg ngày 18/11/2021), trong đó tập trung các mục tiêu phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Tại buổi họp báo thông tin về Ngày thế giới phòng, chống bom mìn, Phó Cục trưởng Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Phạm Thị Hải Hà cho biết: Ðể trợ giúp đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật, năm 2022, thực hiện Nghị định số 20/2021/NÐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội ngân sách nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng trợ cấp hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng xã hội và khoảng 480 tỷ đồng thực hiện chính sách về hỗ trợ giáo dục đối với người khuyết tật. Năm 2022, hơn 1,6 triệu người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế...