Bổ sung, nâng mức hưởng
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, Nghị định 75 có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhưng cũng đặt ra trọng trách, yêu cầu cao từ phía các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách BHYT.
Theo đó, Nghị định 75 bổ sung hai nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT, gồm: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ đóng BHYT tối thiểu 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 1/11/2023.
Về việc bổ sung, nâng mức hưởng khám, chữa bệnh BHYT, người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc được nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT; người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình nâng mức hưởng từ 80% lên 95% chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Đáng chú ý, khi đi khám, chữa bệnh, người tham gia BHYT có thể lựa chọn xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân. Trong trường hợp xuất trình thẻ BHYT nhưng không có ảnh thì người tham gia BHYT mới phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ khác liên quan.
Riêng đối với giấy hẹn khám lại, nếu như trước đây quy định loại giấy tờ này chỉ dùng trong 10 ngày thì với Nghị định 75, nếu không thể tái khám đúng hẹn, người dân có thể liên hệ với cơ sở khám, chữa bệnh để đăng ký lại lịch khám phù hợp.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) khẳng định, về nguyên tắc, người bệnh phải bảo đảm tuân thủ lịch khám lại theo giấy hẹn. Các cơ sở y tế có các biện pháp nhắc nhở người bệnh để bảo đảm đến khám đúng hạn. Trong trường hợp bệnh nhân đến khám trễ, họ buộc phải liên hệ với nhân viên y tế trong khoảng thời gian 10 ngày, kể từ ngày được hẹn khám để được bố trí, sắp xếp lịch khám khác. Nếu liên hệ sau thời hạn này sẽ không được chấp nhận và người bệnh phải đăng ký khám mới lại.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các vụ, cục, Thanh tra Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, phòng chống các hành vi tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Người dân Gia Lai sử dụng căn cước công dân gắn chip và ứng dụng VssID khi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: TTXVN |
Tăng giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT khoảng 10%
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa ký ban hành Thông tư 22/2023/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Theo đó, Thông tư này ban hành do mức lương cơ sở được Chính phủ điều chỉnh từ 1/7/2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng.
Cụ thể, giá khám bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt như: Bệnh viện Bạch Mai, Hữu nghị Việt - Đức, Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), T.Ư Huế, T.Ư Thái Nguyên, T.Ư Quân đội 108 tăng từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng. Giá khám tại các trạm y tế xã nâng từ 27.500 lên 30.100 đồng. Mức tăng ở bệnh viện hạng I từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng; bệnh viện hạng II từ 34.500 đồng lên 37.500 đồng; bệnh viện hạng III từ 27.500 đồng lên 30.100 đồng.
Giá ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu cũng ghi nhận mức tăng theo từng hạng bệnh viện. Cụ thể như ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá tăng lên 509.400 đồng (tăng 51.400 đồng); hạng I là 474.700 đồng (tăng 47.700 đồng); hạng II là 359.200 đồng (tăng 34.200 đồng)...
Ngoài ra, giá ngày giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc cũng tăng theo hạng bệnh viện. Cụ thể, giá giường bệnh này của bệnh viện hạng đặc biệt có giá mới là 867.500 đồng (tăng 85.500 đồng), giá ở hạng I là 786.000 đồng (tăng 80.700 đồng), hạng II là 673.900 đồng (tăng 71.900 đồng).
Giá xét nghiệm và kỹ thuật của hơn 1.900 dịch vụ cũng thay đổi. Đơn cử, giá dịch vụ siêu âm tăng từ 43.900 đồng lên 49.300 đồng; chụp CT Scanner đến 32 dãy có thuốc cản quang tăng từ 632.000 đồng tới 643.000 đồng...
Như vậy, so với mức giá cũ, giá viện phí mới cao hơn khoảng 10%. Bộ Y tế cho biết, mức giá này được áp dụng từ ngày 17/11, thay thế mức giá quy định trong Thông tư 39/2018 và Thông tư 13/2019 của Bộ Y tế.
Với mức giá viện phí BHYT được điều chỉnh lần này, theo các bệnh viện, sẽ tăng thêm nguồn thu từ BHYT để nâng chất lượng dịch vụ.
Thông tư 22 cũng nêu rõ, trường hợp người bệnh có thẻ BHYT nhưng có sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng, người bệnh chi trả thêm phần ngoài phạm vi BHYT.
Trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 chỉ tính 30% mức giá của một lần khám bệnh, mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá hai lần mức giá của một lần khám bệnh.
Người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, đã được khám bệnh, cấp thuốc về điều trị nhưng sau đó có biểu hiện bất thường, đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để khám lại ngay trong ngày hôm đó và được tiếp tục thăm khám thì lần khám này được coi như là lần khám thứ 2 trở đi trong một ngày.
Đối với các bàn khám thực hiện khám hơn 65 lượt/ngày, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó.
Chi khám, chữa bệnh BHYT tăng 15,62%
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến thời điểm hết tháng 10 năm 2023, cả nước có 91,79 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,77% dân số. Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 10, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi cả nước bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho gần 127 triệu lượt người, tăng 19,26% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với số lượng người khám, chữa bệnh tăng là số tiền chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng 15,62% so với cùng kỳ năm trước. Kinh phí chi BHYT tập trung ở các tỉnh, thành phố có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh, tuyến T.Ư, nhiều nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.