Lễ hội tổng Dâu năm 2024 được tổ chức từ ngày 13-15/5 (tức ngày 6-8/4 Âm lịch) với các nghi thức tế lễ truyền thống tại chùa Dâu và các chùa trong hệ thống thờ Tứ pháp. Ngày 13/5, tại chùa Dâu đã diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia đối với mộc bản chùa Dâu và khai mạc lễ hội tổng Dâu.
Ngôi chùa cổ bậc nhất lịch sử Phật giáo Việt Nam
“Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu”
Theo câu ca xưa, chúng tôi hòa cùng người dân vùng Dâu, Luy Lâu, Thuận Thành về trẩy hội chùa Dâu-ngôi cổ tự xứ Kinh Bắc.
Một góc chùa Dâu. |
Chùa Dâu thuộc tổng Dâu xưa, nay thuộc phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được biết đến là ngôi chùa cổ hình thành sớm nhất, một trong những công trình di tích lịch sử tín ngưỡng tôn giáo đánh dấu sự khởi nguồn của đạo Phật ở Việt Nam.
Chùa Dâu còn là chùa Cả trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp, chùa Dâu thờ Thần Mây (Pháp Vân), chùa Thành Đạo thờ Thần Mưa (Pháp Vũ), chùa Phi Tướng thờ Thần Sấm (Pháp Lôi), và chùa Phương Quan thờ các lực lượng thiên nhiên của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là sự biểu hiện của tục thờ Mẫu, một tôn giáo bản địa thuần Việt.
Theo các nguồn tư liệu, chùa Dâu được khởi dựng từ thế kỷ II, là tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên đã tạo nên một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Từ trung tâm Dâu, Phật giáo đã phát quang, lan tỏa ra khắp các vùng miền trong cả nước, tạo thành một tôn giáo lớn, chính thống của nước ta.
Đông đảo người dân và du khách tham dự lễ khai hội chùa Dâu. |
Trong quá trình tồn tại chùa Dâu đã được các triều đại phong kiến trùng tu mở rộng với quy mô lớn. Vào thời Trần, chùa được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho xây dựng với quy mô “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”. Trải qua các thăng trầm của lịch sử đến nay, chùa Dâu vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính và là nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa quý giá của dân tộc gồm hệ thống gần 100 pho tượng thờ, 22 bia đá, chuông đồng, khánh đồng được tạo tác vào các thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn.
Và lễ hội chùa Dâu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu. Bởi nó không chỉ là nhu cầu tìm về Phật tổ và hòa mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động và tiêu biểu mà còn với ý nghĩa quan trọng cầu mong mọi điều tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa- một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
Bác Nguyễn Thanh Thảo, ở phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành chia sẻ: Từ đêm qua dù trời mưa nhưng người dân chúng tôi vẫn tổ chức chương trình ca nhạc ''cây nhà lá vườn'' đón chào hội Dâu. Hội năm nay quy mô lớn hơn, vui hơn vì được đón nhận Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với các bộ mộc bản vẫn bày trong chùa. Không chỉ người dân trong tổng Dâu xưa, mà con cháu khắp nơi đều thu xếp về chung vui, chơi hội.
Chuông và khánh được treo trong tháp Hòa Phong. |
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Thuận Thành cho biết: Được biết đến như danh lam bậc nhất xứ kinh Bắc, với giá trị nổi bật độc đáo về lịch sử kiến trúc nghệ thuật, chùa Dâu đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013. Tiếp đó, năm 2017, Bộ tượng Phật Tứ pháp vùng Dâu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, chùa Dâu còn lưu giữ nhiều tài liệu, cổ vật quý giá, tiêu biểu như bia đá, khánh đá, chuông đồng. Và đặc biệt hiện còn lưu giữ 107 tấm mộc bản cổ, ghi lại truyền thuyết lịch sử chùa Dâu cách đây gần 3 thế kỷ.
Bảo vật gốc duy nhất, độc bản
Chị Lê Thị Thanh Thư, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ cơ sở, Trung tâm Bảo tồn và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh giới thiệu: Bảo vật Quốc gia-Mộc bản chùa Dâu vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận tháng 1/2024 gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực.
Chị Lê Thị Thanh Thư giới thiệu về Bảo vật quốc gia-Mộc bản chùa Dâu. |
Đáng chú ý, mộc bản chùa Dâu được hình thành từ ý tưởng của các vị tổ chùa muốn truyền đạt lại cho mai sau các bộ Kinh để truyền dạy đạo Phật, sự tích Man Nương cùng hệ thống Phật Tứ pháp và các bài văn cúng, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, nghi lễ cúng các vị Phật tổ thiêng liêng của chùa. Vì lẽ đó, các mộc bản đều được chính các nhà sư trụ trì tại chùa qua các thời kỳ đứng ra san khắc từ thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn. Chữ trên mộc bản đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm được khắc âm bản, đường nét mềm mại, có tính thẩm mĩ cao nên khi in ra giấy dó rất sắc nét.
Mộc bản chùa Dâu là nguồn di sản tư liệu phong phú giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự ra đời của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp vùng Dâu, về sự ra đời và phát triển của Phật giáo Việt Nam, về các nghi thức cầu mưa, cầu tạnh, lịch sử nghề khắc in mộc bản và nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của Việt Nam-chị Lê Thị Thanh Thư chia sẻ.
Một ván khắc đang được lưu giữ tại chùa Dâu. |
Cùng với mộc bản chùa Dâu được công nhận là Bảo vật quốc gia, hiện toàn tỉnh Bắc Ninh đã có 18 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc, qua đó cũng khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc gìn giữ, trùng tu, tôn tạo các bảo vật, góp phần xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.