Trao giải Cuộc thi viết về Kỹ năng lao động

NDO - Chiều 3/10, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ tổng kết trao giải Cuộc thi viết về Kỹ năng lao động, với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam - Skilling up Việt Nam” ở bốn loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.
0:00 / 0:00
0:00
Ban tổ chức trao tặng các tác giả đạt giải A các loại hình báo chí.
Ban tổ chức trao tặng các tác giả đạt giải A các loại hình báo chí.

Cuộc thi được phát động ngày 28/4/2021, thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 tác phẩm tham gia.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, số lượng tác phẩm dự thi chưa nhiều, tuy nhiên, Cuộc thi đã huy động được sự tham gia của các nhà báo chuyên nghiệp, cộng tác viên, các thầy cô giáo và cả các học sinh, sinh viên.

Các tác phẩm dự thi hầu hết đã được các báo, đài, tạp chí đăng tải hoặc phát hành, nội dung các tác phẩm tập trung chủ yếu như: Vai trò của kỹ năng lao động trong đời sống xã hội; vai trò, giá trị của kỹ năng lao động trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững; vai trò của kỹ năng lao động trong hội nhập quốc tế; vai trò của kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển kỹ năng lao động cho Việt Nam; các cá nhân, tập thể điển hình, xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất có kỹ năng nghề nghiệp cao; tôn vinh người lao động có kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp cao trong đời sống, lao động…

Theo đánh giá của ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi, chủ đề của cuộc thi viết về kỹ năng lao động là đề tài khó tiếp cận nếu như người viết không hiểu về kỹ năng nghề nghiệp, do vậy, số lượng tác phẩm tham gia chưa nhiều.

Một số tác phẩm có chiều sâu, phản ánh được nội dung kỹ năng lao động đều là các tác phẩm của các nhà báo đã tìm hiểu sâu về kỹ năng lao động hoặc là từ cán bộ quản lý, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Một số tác phẩm tốt tạo được tính lan tỏa. Cụ thể như: Báo in gồm Giải A: tác phẩm “Làn sóng mới trong đào tạo nhân lực”, Giải B: tác phẩm “Nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cao với nền sản xuất 4.0, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”;…

Báo điện tử với Giải A: tác phẩm “Nhất nghệ tinh” trước ngưỡng cửa 4.0”, Giải B: tác phẩm “Để kỹ năng lao động Việt Nam cất cánh”, Giải C: tác phẩm “Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” và “Kỹ năng lao động - Chìa khóa mở cửa tương lai”…

Loại hình phát thanh gồm Giải A: tác phẩm “Lựa chọn bằng cấp hay kỹ năng nghề nghiệp”, Giải B: tác phẩm “Nuôi trồng thủy hải sản - nghề cần lao động được đào tạo”, Giải C: tác phẩm “Xuất khẩu lao động - Đi làm thuê về làm chủ” và “Từ nhà làm phim đến cô giáo dạy nghề chăm sóc sắc đẹp”.

Loại hình Truyền hình gồm Giải A: tác phẩm “Hiệu quả từ chương trình đào tạo kép”, Giải B: tác phẩm: “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì khát vọng Việt Nam thịnh vượng”, …

Thành công của cuộc thi chính là thông qua các tác phẩm báo chí đã góp phần lan tỏa được giá trị của kỹ năng lao động giúp cho xã hội hiểu hơn về kỹ năng nghề nghiệp, yếu tố quyết định đến năng suất lao động, tăng sự cạnh tranh của nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế, tham gia các chuẩn cung ứng nhân lực tạo ra giá trị cao.