Doanh nghiệp tham gia vào việc phát triển kỹ năng làm việc cho lao động trẻ

NDO - Sáng 27/9, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Đối thoại “Sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ”.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các tổ chức tham gia buổi đối thoại “Làm thế nào để các doanh nghiệp có thể nâng cao kỹ năng làm việc cho lao động trẻ”.
Đại diện các tổ chức tham gia buổi đối thoại “Làm thế nào để các doanh nghiệp có thể nâng cao kỹ năng làm việc cho lao động trẻ”.

Tại buổi đối thoại, Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh cho biết, năng suất lao động Việt Nam trong những năm qua đã có sự cải thiện trong khu vực ASEAN, đạt bình quân 4,77%/năm. Điều này, chứng tỏ trình độ kỹ năng người lao động đã từng bước được cải thiện và nâng lên. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là "cú sốc kép" đối với thị trường lao động toàn cầu. Một mặt gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng, nhất là về công nghệ, lực lượng lao động trẻ cũng cần phải được nhanh chóng trang bị các kĩ năng mềm, kĩ năng chuyển đổi, kĩ năng số để có thể thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0...

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã được cải thiện ở mức độ tốt nhất thế giới từ vị trí 77 lên vị trí 67/141 nền kinh tế trên thế giới. Đáng chú ý, trong số 12 trụ cột và 103 tiêu chí của chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, trụ cột về kỹ năng tăng 4 bậc, đặc biệt tiêu chí về chất lượng đào tạo nghề tăng 13 bậc.

Nghiên cứu “Đánh giá thiếu hụt về kĩ năng nghề nghiệp và thực hành tốt của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên yếu thế và dễ tổn thương”, do VCCI và UNICEF tháng 9/2020 cũng chỉ ra “trên toàn cầu, kỹ năng mềm ngày càng trở nên giá trị và cần thiết hơn so với kỹ năng thuộc về kỹ thuật do ảnh hưởng của số hoá và tự động hoá”.

“Tôi cho rằng, để tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới. Vậy nếu muốn đổi mới, sáng tạo, chúng ta phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ và đó cũng chính là lý do của buổi đối thoại hôm nay”, bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Theo số liệu báo cáo tình hình lao động việc làm quý IV năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu “lao động vàng”, khi mà dân số có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số. Đây được xem là cơ hội để Việt Nam phát huy lợi thế, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 tuổi là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm so năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,91%, tăng 1,33 điểm phần trăm so năm 2020, nhìn chung thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt lao động thanh niên cần được đặc biệt quan tâm đào tạo và phát triển nâng tầm kỹ năng.

Chia sẻ thông tin tại buổi đối thoại, Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), bà Lesley Miller cho biết: “Những nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy nhiều thanh niên thiếu các kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi, và tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ vị thành niên từ 15-18 tuổi. Chúng ta biết rằng việc xây dựng các kỹ năng mềm từ khi còn trẻ - thí dụ như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp, sẽ giúp thanh niên trở thành những người có khả năng thích ứng và linh hoạt, đồng thời bổ trợ quan trọng cho các kỹ năng cụ thể trong công việc”.

UNICEF cũng công nhận và đánh giá cao vai trò không thể thiếu của khu vực doanh nghiệp trong việc thực hiện các quyền và bảo đảm phúc lợi cho trẻ em và thanh thiếu niên. Doanh nghiệp và cộng đồng kinh doanh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và cải thiện kỹ năng việc làm cho thanh thiếu niên…

Trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng tập trung vào năng suất cao và lực lượng lao động có tay nghề, việc phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động sẽ không còn là một lợi thế so sánh. Do đó, việc trang bị các kỹ năng phù hợp cho trẻ em và trẻ vị thành niên tại Việt Nam ngày nay sẽ là yếu tố thúc đẩy chính đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước trong tương lai gần.

Theo bà Lesley Miller, hội thảo là cơ hội đối thoại mang tính xây dựng giữa cộng đồng doanh nghiệp và thanh niên. Cuộc đối thoại được thiết kế để cung cấp một nền tảng tạo điều kiện thảo luận cởi mở về những thách thức và hạn chế mà các doanh nghiệp gặp phải trong việc thúc đẩy phát triển kỹ năng cho lao động trẻ; đồng thời đưa ra khuyến nghị và hỗ trợ để các doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào vấn đề này.

Thông qua Hội thảo sẽ nâng cao hiểu biết về nhu cầu, mối quan tâm và thách thức đối với lao động trẻ liên quan đến việc phát triển kỹ năng của họ; cũng như những thực hành tốt và sáng kiến của các doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ.