Hỗ trợ hơn 1.100 lao động nâng cao kỹ năng nghề

Đến nay, 1.142 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm từ gói an sinh 26 nghìn tỷ đồng của Nghị quyết số 68.

Lao động tại Công ty May Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa).
Lao động tại Công ty May Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa).

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết ngày 10/9, kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết số 68) của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động đã có một số kết quả.

Đây là chính sách hỗ trợ trong gói an sinh 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ được ban hành để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch Covid-19.

Các cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 516 đơn vị với 94.329 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Số tiền ước tính 634,1 tỷ đồng tại 48/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, xác nhận danh sách cho 984.189 lao động của 33.098 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 địa phương.

Cụ thể là, 748.471 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 30.296 đơn vị.

124.772 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 1.788 đơn vị.

50.981 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 659 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc.

37.592 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động) của 190 đơn vị.

21.231 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 155 đơn vị.

Hơn 1.100 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của 10 đơn vị để duy trì việc làm áp dụng theo chính sách của Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23.

Điều 9, Điều 10 trong Chương III của Quyết định số 23 đề cập tới đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ của chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học.

Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định nêu trên, phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng, chi trả trực tiếp cho người sử dụng lao động theo phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được phê duyệt.

Ước tính, khoảng 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sử dụng để đào tạo lại cho người lao động theo chính sách này.

Lao động và việc làm