Theo Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công thương Nguyễn Văn Minh, là một Bộ kinh tế đa ngành, những năm qua, Bộ Công thương đã bám sát và nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; các chương trình, đề án, chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường với tinh thần “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, “Lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu” và phù hợp với các cam kết quốc tế thời kỳ hội nhập, đặc biệt là cam kết giảm khí phát thải bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Với quan điểm xuyên suốt là thúc đẩy sự phát triển bền vững; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, Đảng nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong bảo vệ môi trường; chú trọng kiểm soát ô nhiễm môi trường; khai thác sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế-xã hội do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp. Do vậy, cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng xã hội.
Phát động cuộc thi viết về bảo vệ môi trường ngành Công thương
Tiếp nối thành công của Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường ngành Công thương” tổ chức lần đầu vào năm 2016; năm 2023, Bộ Công thương tổ chức Cuộc thi viết về "Bảo vệ môi trường ngành Công thương" lần thứ II và giao cho Báo Công thương phối hợp thực hiện nhằm tổng kết những kết quả đạt được, lan toả, tôn vinh những kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến, góp ý hữu ích cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ môi trường thông qua các tác phẩm báo chí, truyền thông.
Ban tổ chức và các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Cuộc thi viết về "Bảo vệ môi trường ngành Công thương" lần thứ II năm 2023 chụp ảnh lưu niệm. |
Sau hơn 2 tháng phát động, Ban tổ chức tiếp nhận hơn 202 tác phẩm, nhóm tác phẩm dự thi của phóng viên, nhà báo từ nhiều cơ quan báo chí trung ương, địa phương; chuyên gia kinh tế-môi trường; tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước. Theo đánh giá chung của Ban tổ chức, các tác phẩm báo chí dự Cuộc thi viết về bảo vệ môi trường ngành Công thương lần thứ II khá đa dạng về loại hình, chất lượng khá đồng đều.
Nội dung đã tập trung tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường nói chung và của ngành Công thương nói riêng; biểu dương các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, ứng dụng khoa học công nghệ… góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường của ngành.
Nhiều tác phẩm cũng phản ánh những khó khăn, thách thức, tồn tại nhất là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sử dụng lãng phí năng lượng, sử dụng rác thải nhựa… từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ngành Công thương, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết giảm phát thải nhà kính.
Dựa trên các tiêu chí của cuộc thi, Ban tổ chức đã chọn ra được 12 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm: 1 giải Đặc biệt, 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 5 giải Khuyến khích. Giải Đặc biệt thuộc về tác phẩm: “Bảo vệ môi trường nhìn từ góc độ ngành Công thương” của nhóm tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Thạc sĩ Nguyễn Trần Minh Trí và Nguyễn Thị Quỳnh Hương.
Báo Nhân Dân đoạt một giải Khuyến khích, với tác phẩm: “Thực thi các giải pháp giảm sử dụng túi ni-lông dùng một lần” của tác giả Thái Sơn.