Với cách làm sáng tạo, dự án đã mang đến những góc nhìn mới mẻ về bảo tồn đa dạng sinh học, huy động được sự tham gia của nhiều đơn vị chung tay thực hiện sứ mệnh bảo tồn cũng như lan tỏa hoạt động bảo vệ môi trường đến cộng đồng miền trung-Tây Nguyên và trên cả nước.
Nâng cao năng lực
Tại xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế), Dự án bảo tồn cây thuốc nam được thực hiện từ tháng 12/2022 đến tháng 9/2023. Đồng bào Cơ Tu và những người cao tuổi đã tham gia định danh, thu thập cây thuốc về nhân giống trong vườn ươm.
Đến nay, đã đưa được hơn 450 cây giống của 11 loài cây thuốc nam quý hiếm về trồng lại với rừng, góp phần làm giàu rừng cộng đồng và giảm nguy cơ tuyệt chủng các giống cây thuốc quý.
Là một người con Cơ Tu lớn lên gắn bó với núi rừng, anh Vương Văn Gã (thôn Dỗi) đã tham gia dự án cùng nhiều hộ khác. Các anh cùng già làng và cán bộ dự án lên rừng tìm cây thuốc về ươm ở vườn nhà mình, cùng tìm hiểu về công dụng và cách dùng của mỗi loài, rồi trồng lại vào rừng, khoanh vùng bảo vệ. Mỗi tháng, anh cùng nhóm tham gia đi tuần tra rừng từ 2 đến 3 lần, cũng là dịp tranh thủ tiếp tục công việc bảo vệ cây thuốc quý của mình. Anh Văn Gã chia sẻ:
“Nay bà con đã có kiến thức rõ về cây thuốc nam, không để bị lãng quên nữa. Trước đó lên rừng biết cái cây thuốc đó thôi nhưng chưa hiểu hết giá trị, công dụng cũng như cách dùng để mang hiệu quả tốt, nay biết được rõ rồi thì mình càng bảo vệ, chăm sóc, nếu đi rừng lỡ có gặp gì thì cũng biết để sử dụng cây thuốc chữa trị”.
Dự án cũng xuất bản được sách hướng dẫn nhận diện các cây thuốc nam nguy cấp, mô tả được 18 loài cây thuốc hiện hữu của bà con Cơ Tu vùng Nam Đông. Anh Phan Văn Hùng, điều phối viên Dự án chia sẻ:
Các chị phụ nữ Cơ Tu đã góp phần truyền thông nâng cao nhận thức cho bà con bằng tiếng đồng bào cho 340 người dân, thúc đẩy phong trào bảo tồn tài nguyên cây thuốc nam. Trong tương lai gần, bà con sẽ có thể trồng trọt và làm giàu rừng bằng cách sản xuất các loại cây thuốc nam này.
Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều hợp phần đã được triển khai như: Dự án “Cộng đồng không rác” tại quận Sơn Trà; thúc đẩy hoạt động giáo dục trải nghiệm thiên nhiên bậc trung học cơ sở; chương trình giáo dục về kinh tế tuần hoàn cho thanh thiếu niên; các hoạt động bảo vệ loài chà vá chân nâu tại Bán đảo Sơn Trà và trồng cây xanh đô thị; huy động cộng đồng, doanh nghiệp triển khai mục tiêu trồng 60.000 cây gỗ lớn thay thế cây keo tại rừng đầu nguồn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang); huy động hàng nghìn người dân, thanh niên, sinh viên tham gia chạy cộng đồng gây quỹ tài trợ...
Các dự án nhỏ triển khai đã đến được với cộng đồng thụ hưởng, thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức, kêu gọi toàn thể cộng đồng cùng chung tay thực hiện các hoạt động ý nghĩa cho môi trường, đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế.
Nguồn lực duy trì các hoạt động
Dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ hơn 15 tỷ đồng. Dự án do Trung tâm GreenViet và Viện Gustav-Stresemann phối hợp triển khai từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2023.
Dự án đã đạt được một số kết quả nổi bật như: huy động khối doanh nghiệp và các tổ chức tài trợ hơn 4,6 tỷ đồng thực hiện các ý tưởng, dự án nhỏ về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực hơn 50 tổ chức xã hội, câu lạc bộ, đoàn thể; tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho 25 sáng kiến liên quan.
Đồng thời, thực hiện 4 chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các tổ chức xã hội; trồng hơn 13.924 cây xanh đô thị; điều tra, giám sát và truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức nhằm bảo vệ quần thể Voọc chà vá chân nâu tại Bán đảo Sơn Trà...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Đặng Quang Vinh nhận định: Dự án góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường bền vững cho thành phố Đà Nẵng nói riêng và một số tỉnh ở khu vực miền trung-Tây Nguyên nói chung.
Trước những cơ hội và thách thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay, thành phố kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước đồng hành cùng thành phố để hướng đến xây dựng Đà Nẵng, thành phố môi trường hướng đến đô thị sinh thái.
Hơn 3 năm thực hiện, Dự án đã đóng góp vào sứ mệnh bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Bên cạnh đó, dự án đã góp phần thành lập được “Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam”, từ đó mở ra những cơ hội mới cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực miền trung-Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.