Trao giải cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV

NDO - Tiếp nối chuỗi hoạt động trong chương trình Sáng kiến vì cộng đồng, lần thứ IV, năm 2022, tối 29/11, tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy-HĐND-UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Các tác giả được trao giải A.
Các tác giả được trao giải A.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, dự và trao giải tặng các tác giả, nhóm tác giả có sáng kiến xuất sắc tham dự cuộc thi.

Sau gần 10 năm, Chương trình Sáng kiến vì cộng đồng đã thu hút, tìm kiếm và tôn vinh nhiều tác giả, nhóm tác giả có ý tưởng sáng tạo, tâm huyết và nỗ lực không ngừng đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng. Định kỳ 2 năm một lần, qua 4 lần trao giải, đã có rất nhiều sáng kiến đoạt giải từ Chương trình được triển khai ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học, phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống, góp phần đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển chung của đất nước.

Trao giải cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV ảnh 1

Các tác giả giành giải B.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, qua các hồ sợ dự có thể nhận thấy tinh thần “dám nghĩ, dám đề xuất, dám sáng tạo, dám thực hiện” của các tác giả, nhóm tác giả. Sáng kiến được thể hiện đa dạng về lĩnh vực hoạt động, đề tài có tính đột phá, phạm vi ứng dụng rộng, hướng đến phục vụ lợi ích cộng đồng, tập trung ở một số lĩnh vực “nóng”, thu hút sự quan tâm của Chính phủ, của cộng đồng. Điểm khác biệt là số lượng sáng kiến đã được hiện thực hóa trong đời sống, hoặc đang trong giai đoạn ứng dụng thử nghiệm, chiếm số lượng áp đảo. Một số sáng kiến trong lĩnh vực y tế mang tính “phản ứng nhanh” trước tình hình cấp thiết do đại dịch, tạo hiệu ứng tốt, được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Trao giải cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV ảnh 2

Các tác giả giải C.

Căn cứ Thể lệ Cuộc thi và 7 tiêu chí chấm điểm (tính phát triển; đối tượng tác động và kết quả mong đợi; tính sáng tạo; tính khả thi; tính bền vững và khả năng nhân rộng; hiệu quả chi phí; năng lực của đơn vị triển khai), qua hai vòng thẩm định, Ban Tổ chức đã lựa chọn 22 hồ sơ sáng kiến để tiến hành biểu dương và trao giải, bao gồm: 2 Giải A; 4 Giải B; 6 Giải C; 10 Giải Khuyến khích.

Thay mặt Ban tổ chức, phát động Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ V, đồng chí Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, với mong muốn tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong các kỳ tổ chức trước, duy trì một sân chơi ý nghĩa, đậm chất nhân văn, góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị sáng tạo vì sự phát triển đất nước, con người Việt Nam, Ban tổ chức chính thức phát động Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ V, từ nay đến hết quý 4/ 2023. Đồng hành cùng cuộc thi sẽ có Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhằm gia tăng và lan tỏa hơn nữa sức ảnh hưởng Cuộc thi tới cộng đồng, gia tăng sự đóng góp của quần chúng nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần không ngừng nâng cao chất và lượng các hồ sơ đăng ký tham dự, thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Danh sách tác giả, nhóm tác giả được trao giải

* 2 Giải A, bao gồm các sáng kiến sau:

1. Hệ sinh thái Nuôi Em: Tác giả: Hoàng Hoa Trung- Trung tâm Tình nguyện Quốc gia.

2. Xây dựng mạng xã hội thiện nguyện Việt Nam: Tác giả: Trung tá Vũ Thành Trung. Ngân hàng TMCP Quân đội.

* 4 Giải B, bao gồm các sáng kiến sau:

1. Xây dựng hệ thống tra cứu chỉ số công tơ và chủ động cảnh báo sản lượng điện bất thường: Tác giả Nguyễn Thảo Nguyên Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (DNPC).

2. Phát triển hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng (hay còn gọi: Đội hỗ trợ sơ cứu Fast Angel): Tác giả: Phạm Quốc Việt, TP.Hà Nội

3. Mì tôm xanh - Hồi sinh trong ánh sáng: Tác giả: Vũ Thị Thảo - Giáo viên Trường Trung học Vinschool Timescity, TP.Hà Nội.

4. Mắt kính thông minh cho người khiếm thị: Nhóm tác giả Trịnh Quốc Huy, Đào Anh Hào, Phạm Huy. Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

* 6 Giải C bao gồm các sáng kiến sau:

1. Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn hoàn chỉnh được lên men (FTMR) từ nguồn lục bình làm thức ăn cho gia súc nhai lại ở Tây Ninh: Tác giả Mai Thái Dương, Hội nông dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

2. HSmart hệ thống cảnh báo, dự đoán dịch bệnh thông minh với sự hỗ trợ của dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo: Tác giả Vũ Hoàng Thương. Đơn vị công tác: Innovation Non Stop, TP Hồ Chí Minh.

3. Giải pháp giám sát tự động quá trình ghi chỉ số, phúc tra chỉ số trước khi phát hành hóa đơn tiền điện tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng: Tác giả Bùi Văn Minh, Công ty TNNH MTV Điện lực Đà Nẵng (DNPC).

4. Ứng dụng năng lượng mặt trời sấy thân lục bình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: Tác giả Phan Văn Hiệp, Trường Đại học Văn Hiến, Tp. Hồ Chí Minh.

5. Đánh giá hiệu quả của việc lọc máu thay huyết tương ở bệnh nhân bị COVID-19 nặng và nguy kịch và xây dựng quy trình lọc máu thay huyết tương nhằm cải thiện hiệu quả điều trị và làm giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh: Tác giả: GS, TSKH, BS Dương Quý Sỹ - Chủ tịch Hội YHGN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam.

6. Môi trường nhí: Tác giả Phạm Công Lương, TP. Đà Nẵng.

* 10 Giải Khuyến khích, bao gồm các sáng kiến sau:

1. Sử dụng vỏ quả ca cao và vỏ quả cà phê để tạo túi hữu cơ thay thế cho các loại túi nhựa tổng hợp trong sản xuất nông nghiệp: Tác giả: Trần Nguyễn Thăng và Trương Gia Hân. Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, Tỉnh Đắk Nông.

2. Giải pháp tham mưu thành lập Ngân hàng hiến máu lưu động ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp: Tác giả: Phan Văn Khuyên, Công đoàn Giáo dục Tỉnh Đồng Tháp.

3. Tổ chức dạy và học định hướng cho học sinh nghiên cứu KHKT theo phương pháp 5E trong dạy học STEM. Hoạt động dạy học về nghiên cứu KHKT "Tạo màng nano TiO2/SiO2 trên kính có tác dụng chống tia UV trong ánh nắng và tự làm sạch trong không khí" theo phương pháp 5E trong dạy học STEM là minh chứng: Tác giả Đỗ Thị Thanh Phương, Giáo viên Trường THPT Trấn Biên, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Naai.

4. Xây dựng mô hình khai thác sử dụng nước mó làm nước sinh hoạt dựa vào cộng đồng trong điều kiện biến đổi khí hậu: Tác giả Phạm Xuân Quý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Thủy lợi Thanh Hóa, Tỉnh Thanh Hóa.

5. Đề xuất quy trình 5T thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa cho học sinh THPT: Tác giả Đào Thị Ngọc Phượng, Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Nam Định, Tỉnh Nam Định.

6. Ứng dụng thuật toán tìm đường và thống kê dữ liệu từ xa tự động phân tích cảnh báo khách hàng có điện áp thấp: Tác giả Trương Minh Tú, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (DNPC).

7. Xây dựng mô hình đào tạo công nghệ tự động hóa trạm biến áp 110KV và thiết bị phân đoạn trên lưới điện phân phối. Tác giả Nguyễn Như Khoa Nam, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (DNPC).

8. Ứng dụng công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng sông Hồng Việt Nam. Tác giả Nguyễn Thị Hải Anh, Phó Trưởng Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

9. Biện pháp giáo dục kỹ năng mềm về trồng dược liệu dưới tán rừng cho học sinh, thông qua bộ môn sinh học trong trường PTTHBT-THCS Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tác giả Võ Đăng Chính, Hiệu trưởng Trường PTTH Bán trú, Tiểu học và THCS Trà Nam, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.

10. Khẩu trang giấy kháng khuẩn nhiều lớp. Tác giả GS-TSKH-BS.Dương Quý Sỹ. Bí thư Đảng úy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng.