Sống mãi tinh thần đoàn quân Tây Tiến

Lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến có nhiều giai thoại, không giống bất cứ đơn vị quân đội nào. Đó là đơn vị đầu tiên đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào. Và đặc biệt, hiếm có đơn vị nào mà khi ra trận, người chiến sĩ vừa anh dũng, vừa hào hoa như người lính Tây Tiến. Chất lãng mạn ấy có được là bởi trong Trung đoàn 52 Tây Tiến có nhiều người con của Thủ đô. Truyền thống ấy của đoàn quân Tây Tiến đang tiếp tục được gìn giữ, phát huy trong cuộc sống hôm nay.
Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: ĐĂNG ANH
Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: ĐĂNG ANH

Hiếm có bài thơ nào mà không chỉ có chất anh dũng trong chiến đấu, ngay cả khi nói đến cái chết, vẫn hiện lên nét hào hoa của người chiến sĩ như Tây Tiến: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời” hay “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Âm hưởng hào sảng và lãng mạn trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng luôn được nhắc đến như một huyền thoại. Nhưng đấy lại là những câu chuyện rất thật đối với Trung đoàn 52 Tây Tiến 70 năm về trước. Ngay sau khi ra đời, Trung đoàn được giao nhiệm vụ đi vào khu vực “rừng thiêng nước độc” miền Tây Bắc. Vũ khí hết sức thô sơ, thiếu thốn, lại hoàn toàn không có lực lượng hậu cần. Vừa chiến đấu chống thực dân Pháp, vừa tự lo lương thực, vừa làm công tác dân vận. Khó khăn đến độ một viên thuốc ký ninh chống sốt rét phải pha loãng ra chai nước để mấy anh em dùng dần. Hình ảnh “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” cũng là hình ảnh rất thật, bởi sự thiếu thốn và bệnh tật. Trong ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến, Đại tá Nguyễn Hoàng Sâm nhớ lại: “Chỉ riêng tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau khi trận sốt rét càn quét, đã có gần 200 chiến sĩ vĩnh viễn nằm xuống. Nhưng chúng tôi luôn tự hào với tinh thần của người chiến sĩ Tây Tiến khi xưa”.

Mặc cho những khó khăn, gian khổ, Trung đoàn 52 Tây Tiến đã ghi những mốc son vào trang sử chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, Trung đoàn là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào. Trong điều kiện quân Pháp đã gây dựng hệ thống đồn bốt chính quyền mạnh, Trung đoàn 52 Tây Tiến vẫn lập những chiến công hiển hách, góp phần vào việc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược khỏi ba nước Đông Dương. Sau này, Trung đoàn 52 Tây Tiến được chuyển về Sư đoàn 320 và tiếp tục lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trung đoàn 52 Tây Tiến đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Trung đoàn 52 Tây Tiến ra đời, mỗi khi nhắc lại truyền thống của bộ đội Tây Tiến, điểm nổi bật nhất, vẫn là chất lãng mạn, hào hoa dù trong chiến tranh gian khổ. Trung tướng Nguyễn Tiến Long - Phó Trưởng Ban liên lạc chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào nhấn mạnh: “Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều đơn vị anh hùng, nhưng Trung đoàn 52 Tây Tiến có nhiều điều đặc biệt tự hào. Hoạt động của Trung đoàn đã góp phần gây dựng tình đoàn kết Việt - Lào anh em từ buổi đầu của cách mạng hai nước. Trung đoàn là nơi xuất thân của nhiều tướng lĩnh. Và cũng hiếm có đơn vị nào có nhiều nghệ sĩ tài hoa như ở trung đoàn này. Theo tôi, chất anh hùng mà lãng mạn hào hoa của Trung đoàn 52 Tây Tiến có được là nhờ Trung đoàn có nhiều chiến sĩ người Hà Nội”.

Năm 1987, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến ra đời. Khi ấy, số cựu binh Trung đoàn 52 Tây Tiến vẫn còn hơn 200 người. Mỗi lần gặp mặt, lại một lần thêm thưa vắng. Âu cũng là lẽ thường tình, khi các cụ ngày một tuổi cao, sức yếu. Người thuộc diện trẻ nhất Trung đoàn ngày ấy, nay cũng đã gần 90 tuổi. Nhưng mấy năm trở lại đây, mỗi lần hội ngộ, lại là một lần vui hơn, và… đông hơn. Ông Giang Hồng Phúc, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến chia sẻ: “Lịch sử của Trung đoàn 52 Tây Tiến đặc biệt như thế, cần phải gìn giữ, phát huy ngọn lửa truyền thống. Muốn vậy trước hết phải phát huy từ chính thế hệ con em của chiến sĩ Tây Tiến. Việc này được thế hệ con em của chiến sĩ Tây Tiến hết sức ủng hộ. Mỗi lần gặp mặt lại đông hơn là vì thế”. Các thế hệ con cháu, ngoài tham gia các cuộc gặp mặt, tọa đàm, hội thảo… về chiến sĩ Tây Tiến, còn tổ chức các đoàn về nguồn, các địa danh nơi chiến sĩ Tây Tiến đã chiến đấu anh dũng khi xưa. Mỗi chuyến đi như thế trở thành một buổi giáo dục truyền thống cách mạng. Chính bởi ý nghĩa ấy, dù số cựu chiến binh Tây Tiến ngày một ít dần, nhưng tinh thần của các chiến sĩ Tây Tiến còn sống mãi. Trung tướng Nguyễn Tiến Long đánh giá, mô hình hoạt động của Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến là một mô hình giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này rất hữu ích, cần được nhân rộng.