Nghệ sĩ đăng thông tin quảng cáo: Trách nhiệm công dân trước cộng đồng

Thời gian gần đây, tình trạng một số nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trong dư luận xã hội tham gia quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí cả những mặt hàng bị cấm theo quy định của pháp luật xuất hiện trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Thực trạng này đang nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy khiến dư luận bức xúc, đòi hỏi sớm có biện pháp chấn chỉnh, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nâng cao trách nhiệm của người tham gia quảng cáo.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc hàng loạt nghệ sĩ Việt mới đây đồng loạt đăng bài quảng cáo xem bói tử vi trên các trang mạng xã hội khiến nhiều người dân hết sức ngạc nhiên. Ðiều đáng nói khi tìm đến các trang được giới thiệu thì họ mới vỡ lẽ đây chỉ là một "chiêu trò truyền thông" với mục đích là bán đồ phong thủy. Thực tế cho thấy nếu như trước đây, người tiêu dùng thường tiếp nhận thông tin về các nhãn hàng, sản phẩm qua nội dung quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chính thống như truyền hình, báo in, tạp chí, phát thanh,…, thì hiện nay họ thường bị cuốn vào các quảng cáo xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội, nhất là khi các sản phẩm được người nổi tiếng giới thiệu, "cam kết về chất lượng".

Tuy nhiên hình thức quảng cáo này đang xuất hiện nhiều tiêu cực, bất ổn. Tiêu biểu như việc hàng loạt nghệ sĩ bị tố cáo khi tham gia quảng cáo các loại "thần dược" có thể chữa được bệnh nan y, tuy nhiên, thực tế những "thần dược" này chỉ là thực phẩm chức năng bình thường. Hay việc một số người nổi tiếng đăng tải thông tin quảng cáo về tiền ảo mà theo các chuyên gia đây là loại tiền vô danh, liên quan đến nhóm đầu tư coin (tiền điện tử) đa cấp từng bị cảnh báo là lừa đảo.

Cách đây một năm, dư luận cũng từng rất bàng hoàng và bất bình khi một Facebooker được mệnh danh là "hot boy ảnh thẻ" sở hữu hơn 2 triệu lượt theo dõi ngang nhiên quảng cáo cho một ứng dụng "đen" có nội dung vi phạm pháp luật như đánh bạc, khiêu dâm…. Cùng với đó xuất hiện hàng loạt các "chiến thần reviewer", TikToker "triệu view" nhưng thực chất là quảng cáo bừa bãi, sai sự thật về đủ loại hàng hóa, từ quán ăn, mỹ phẩm, quần áo, thuốc chữa bệnh đến khóa học bán hàng online giúp đổi đời khiến nhiều người tiêu dùng nhẹ dạ, cả tin để rồi chịu cảnh "tiền mất, tật mang".

Hình thức quảng cáo thông qua người nổi tiếng đã có từ lâu, song có thể thấy giai đoạn hiện nay xuất hiện nhiều biến tướng và nảy sinh không ít tiêu cực, gây bức xúc dư luận. Có thể lý giải hiện tượng này là bởi: nếu trước đây, hoạt động quảng cáo chủ yếu là trên các kênh truyền thông chính thống, và phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục nhằm bảo đảm nội dung quảng cáo đúng với sản phẩm thì hiện nay sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã kéo theo một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo.

Mỗi cá nhân đều có thể tự rao bán sản phẩm mà thiếu sự kiểm duyệt, nhờ vậy không ít người đã thu lợi lớn từ các hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Song điều này đã dẫn tới một thực tế: có những cá nhân, bao gồm cả người nổi tiếng đã vô tình hoặc cố tình "nhắm mắt làm ngơ" tiếp tay quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm bị cấm kinh doanh để trục lợi.

Nhiều người nổi tiếng dễ dàng bị thuyết phục bởi những hợp đồng hấp dẫn nên đồng ý tham gia quảng cáo sản phẩm, không cần biết sản phẩm đó như thế nào. Chưa kể có người còn cho rằng việc xuất hiện thường xuyên dù trên mạng xã hội cũng là một cách làm gia tăng thêm danh tiếng và biến họ thành một hình ảnh "được nhận diện dễ dàng hơn" nên sẵn sàng tận dụng sự nổi tiếng để kiếm tiền bằng mọi cách.

Nhiều người nổi tiếng dễ dàng bị thuyết phục bởi những hợp đồng hấp dẫn nên đồng ý tham gia quảng cáo sản phẩm, không cần biết sản phẩm đó như thế nào. Chưa kể có người còn cho rằng việc xuất hiện thường xuyên dù trên mạng xã hội cũng là một cách làm gia tăng thêm danh tiếng và biến họ thành một hình ảnh "được nhận diện dễ dàng hơn" nên sẵn sàng tận dụng sự nổi tiếng để kiếm tiền bằng mọi cách.

Người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng xã hội nhất định vì vậy sự xuất hiện của họ gắn với mỗi sản phẩm được quảng cáo tác động không nhỏ tới suy nghĩ và quyết định của người tiêu dùng. Ðiều này đồng nghĩa với việc khi người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, sẽ có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vì tin tưởng nên đã mua, sử dụng những sản phẩm ấy để rồi gánh chịu những hậu quả ngoài mong muốn, thậm chí tính mạng bị nguy hiểm. Ðặc biệt với những sản phẩm độc hại như cờ bạc trá hình, hay ứng dụng khiêu dâm… sẽ gây mối nguy hại rất lớn tới cộng đồng, nhất là giới trẻ. Còn đối với những người nổi tiếng, họ sẽ đánh mất niềm tin yêu của công chúng từ những việc làm như vậy.

Việc một số người nổi tiếng tham gia quảng cáo các sản phẩm độc hại, quảng cáo sai sự thật và lừa dối người tiêu dùng phần nào cho thấy sự thiếu ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp. Ðể ngăn chặn tình trạng trên, cần phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm: hành lang pháp lý chặt chẽ với chế tài rõ ràng, ý thức trách nhiệm của người nổi tiếng và nhận thức của người tiêu dùng.

Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, hạn chế tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, bất chấp pháp luật, đặc biệt là thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo. Cụ thể Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung năm 2018 đã quy định rõ các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo (Ðiều 7) và hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo (Ðiều 8). Song thực tế cho thấy những vi phạm Luật Quảng cáo vẫn xuất hiện, thậm chí có chiều hướng gia tăng.

Nhiều ý kiến cho rằng do hình thức xử phạt hành vi vi phạm hiện nay còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe, chủ yếu là phạt tiền và xử lý hành chính. Vậy nên, cần thiết phải có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn và có tính răn đe. Cụ thể bên cạnh việc xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu áp dụng thêm biện pháp "cấm sóng", cấm hoạt động nghệ thuật trong một thời gian nhất định, thậm chí cấm vĩnh viễn nếu hành vi vi phạm của người nổi tiếng ở mức nghiêm trọng. Ðiều này đã được một số quốc gia áp dụng và phát huy tác dụng trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người nổi tiếng.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với các quy tắc chung: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm. Ðây là kim chỉ nam giúp mỗi cá nhân điều chỉnh mọi hành vi trên mạng xã hội để bảo đảm việc tuân thủ những chuẩn mực đạo đức và khuôn khổ pháp luật. Ðến ngày 13/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó quy định rõ: "Không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng…" (khoản 4, Ðiều 8). Trong bộ quy tắc này có nhiều điều cấm, tuy nhiên có một điều mà thiết nghĩ người nổi tiếng nào cũng cần ghi nhớ là "Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức" (khoản 3, Ðiều 7).

Trước sự phát triển của phương thức quảng cáo mới ngày càng đa dạng, phức tạp, đòi hỏi cơ quan chức năng nhanh chóng nắm bắt sự thay đổi này để từ đó có những kiến nghị, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn. Việc phổ biến quy định pháp luật cho các nghệ sĩ và những người có ảnh hưởng với công chúng, người tiêu dùng trong hoạt động quảng cáo cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn đến các hội chuyên ngành Văn học nghệ thuật trên địa bàn, đề nghị lãnh đạo các hội kiểm tra, chấn chỉnh việc hội viên tham gia quảng cáo sản phẩm hàng hóa; vận động hội viên không tham gia nếu nội dung quảng cáo sai lệch, gây thiệt hại về kinh tế và làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Công văn cũng lưu ý các văn nghệ sĩ tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, hay sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Việc làm này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận cũng như các nghệ sĩ. Mặt khác cơ quan chức năng cần tăng cường sự phối hợp với đơn vị cung cấp những dịch vụ xuyên biên giới để có cơ chế, giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát, ngăn chặn những quảng cáo độc hại, sai sự thật, xấu độc lây lan nhanh trên mạng xã hội.

Về phía người tiêu dùng cần phải tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật, trở thành người sử dụng mạng xã hội thông thái, bằng cách luôn giữ cho mình sự tỉnh táo trong nhận thức, không tùy tiện chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến xã hội, dù thông tin đó có đến từ một người có ảnh hưởng hay chính là người mình đang hâm mộ đi chăng nữa. Và nên nhớ rằng trước khi lựa chọn sử dụng bất kỳ một sản phẩm gì, cần phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ càng, tránh tình trạng tin tưởng vội vàng, mù quáng, để rồi lại "tiền mất, tật mang".

Về phía người tiêu dùng cần phải tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật, trở thành người sử dụng mạng xã hội thông thái, bằng cách luôn giữ cho mình sự tỉnh táo trong nhận thức, không tùy tiện chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến xã hội, dù thông tin đó có đến từ một người có ảnh hưởng hay chính là người mình đang hâm mộ đi chăng nữa.

Cùng với chế tài xử phạt nghiêm minh, một giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi quảng cáo sai phạm đó chính là nêu cao ý thức trách nhiệm của người tham gia quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội. Khi nhận lời quảng bá sản phẩm, người nổi tiếng cần phải cân nhắc, lựa chọn, kiểm tra kỹ độ uy tín và cách thức bán hàng của sản phẩm quảng cáo, đưa thông tin chân thật, không thổi phồng công dụng của sản phẩm, không cổ xúy cho hành vi cờ bạc, khiêu dâm, mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu… Mỗi người nổi tiếng cần có ý thức góp phần lan tỏa cách sống chuẩn mực, ứng xử có văn hóa tới cộng đồng bởi đó chính là cách xây dựng hình ảnh cá nhân hiệu quả và bền vững nhất.