Phát huy sức mạnh mềm văn hóa của đất nước

Bài 1: Kết quả chưa xứng với tiềm năng

Những lợi ích to lớn của việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, lịch sử của dân tộc thông qua điện ảnh là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên làm thế nào để phát huy hiệu quả này hơn nữa, qua đó khẳng định “sức mạnh mềm” văn hóa của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, từ đó hoàn thành những mục tiêu, chủ trương đề ra, là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

0:00 / 0:00
0:00
Chương trình Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Chương trình Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 25/9 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình Xúc tiến Du lịch-Điện ảnh Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Việt Nam-Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới”. Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết: “Chương trình Xúc tiến Du lịch-Điện ảnh Việt Nam tại Mỹ được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông quốc tế, thúc đẩy quảng bá và thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Chương trình này cũng góp phần cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam-Mỹ”. Sự kiện đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn bè quốc tế.

Tìm phương cách hiệu quả để đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ngày càng trở nên gần gũi, thân thiện, và trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế tìm đến khám phá và trải nghiệm, vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế là mong mỏi của mỗi người dân Việt Nam, đồng thời đây cũng là phương hướng phấn đấu mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra trong nhiều năm qua.

Nghị quyết số 33-NQ/TW (ban hành ngày 9/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta xác định rõ mục tiêu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Tại “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 cũng khẳng định quan điểm: “Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế”, và công nghiệp điện ảnh được xác định như một ngành mũi nhọn. Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 10/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, trong đó đề ra nhiệm vụ tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, phương thức thể hiện đa dạng, phong phú.

Từ chủ trương, định hướng của Đảng, được thể chế hóa bằng nhiều chính sách cụ thể, Việt Nam ngày càng được định vị rõ rét trong mắt cộng đồng quốc tế. Hoạt động giới thiệu, quảng bá các danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam thông qua điện ảnh đã được tăng cường. Không ít đoàn làm phim nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam để thực hiện các cảnh quay ấn tượng, được công chúng đón nhận, đánh giá cao, qua đó góp thêm tiếng nói để lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới.

Giữa tháng 9 vừa qua, báo Le Figaro của Pháp ra mắt bộ phim tài liệu “Toàn cảnh Việt Nam: Bữa tiệc của các giác quan”, giới thiệu về đất nước và con người nơi đây. Với hình ảnh và âm thanh sống động, phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống thường nhật, bộ phim dài hơn 52 phút của đạo diễn Eric Bacos đưa người xem vào hành trình khám phá Việt Nam, từ miền nam, nơi có trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, qua Đồng bằng sông Cửu Long, hướng về miền bắc tới Hà Nội. Đất nước Việt Nam được tờ báo Pháp mô tả là “trải dài như một con rồng dọc theo Biển Đông”. Trước đó ít lâu, bộ phim tài liệu “Planet Earth III” của BBC được vinh danh ở 5 hạng mục đề cử của giải Emmy. Đây là giải thưởng uy tín hàng đầu của Mỹ, được ví như Oscar của truyền hình. Trong số các đề cử dành cho “Planet Earth III” thì có tới hai hạng mục là quay phim và nhạc phim thuộc về “Extremes”-tập 6 của series phim, với nhiều cảnh quay thực hiện tại các hang động ở Quảng Bình của Việt Nam. Từ khóa “Việt Nam”, “Sơn Đoòng” trở nên thịnh hành, không ít khán giả cho biết họ mong muốn được đến Quảng Bình của Việt Nam để trực tiếp trải nghiệm một không gian mê hoặc và tráng lệ đến như vậy.

“Nóng hổi” không kém, bộ phim tài liệu “Once upon a bridge in Vietnam” (tạm dịch “Ngày xưa có một cây cầu ở Việt Nam”) của đạo diễn người Pháp gốc Việt François Bibonne cũng mới được trình chiếu tại Liên hoan nghệ thuật quốc tế Ruthin (RIAF) 2024 (diễn ra từ ngày 28/6-28/7 tại thị trấn Ruthin thuộc phía bắc xứ Wales) đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Theo đánh giá của các chuyên gia bộ phim “Once upon a bridge in Vietnam” chinh phục được công chúng bởi mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc của Việt Nam thể hiện thông qua những điệu múa và trang phục dân tộc độc đáo hòa quyện trong âm thanh của dàn nhạc giao hưởng hòa cùng các loại nhạc cụ dân tộc bản địa. Một Việt kiều sống xa Tổ quốc gần 10 năm, sau khi xem xong bộ phim cho biết, chị cảm thấy như được trở về nhà và tự hào vì hình ảnh đẹp và văn hóa Việt Nam được giới thiệu tới khán giả quốc tế.

Quay trở lại với điện ảnh trong nước, việc xúc tiến quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam tới bạn bè năm châu thông qua điện ảnh đã được ngành chức năng tích cực triển khai trong nhiều năm qua. Riêng trong năm 2024, có thể kể đến hàng loạt sự kiện nổi bật như: Chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao-Tự hào bản sắc Việt” diễn ra từ ngày 2 đến 4/9 tại Bình Định; Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 14 do EUNIC (Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu) phối hợp Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức từ ngày 20 đến 28/9 tại Hà Nội. Loạt phim Việt Nam được chọn tại liên hoan tập trung vào việc bảo tồn di sản văn hóa, nhất là nghệ thuật và trò chơi truyền thống, như một phương tiện để kết nối các thế hệ và hàn gắn những đứt gãy lịch sử.

Trong đó đáng chú ý có phim “Ngọn lửa Đào Tấn” đề cập đến nghệ thuật Hát bội ở Bình Định; phim “Đồng vọng Bài Chòi” giới thiệu về loại hình nghệ thuật dân gian Bài Chòi và quá trình tìm lại chỗ đứng của nghệ thuật Bài Chòi trong cộng đồng; phim “Trên đỉnh Phja Khao” khai thác cuộc sống của một gia đình người Dao sống trên đỉnh núi Phja Khao (tỉnh Bắc Kạn),... Và mới diễn ra là Chương trình Xúc tiến Du lịch-Điện ảnh Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Việt Nam-Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới”.

Trước đó, từ năm 2016, nhằm thực hiện đề án “Quảng bá du lịch thông qua các hoạt động điện ảnh”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành sản xuất hai bộ phim tài liệu nghệ thuật là “Phiên chợ vùng cao” và “Mũi Né-Vùng biển thức” có độ dài 12 phút, phụ đề song ngữ Anh-Pháp với nội dung quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch Việt, tìm tòi và khám phá những nét đặc sắc của các thương hiệu du lịch Việt qua những thước phim ấn tượng, hình ảnh đẹp... Phim được trình chiếu tại tất cả sự kiện chính thức của quốc gia về điện ảnh và du lịch trong nước, quốc tế những năm tiếp theo. Năm 2017, tham dự Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 70, ngành điện ảnh và du lịch Việt Nam đã có sự kết hợp bài bản để triển khai một chương trình với mục tiêu quảng bá Việt Nam cùng thông điệp “Việt Nam-điểm đến mới của các bộ phim bom tấn”.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc sản xuất phim nghệ thuật về thương hiệu, sản phẩm du lịch, tổ chức các sự kiện điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài nhằm giới thiệu các danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch của Việt Nam với bạn bè quốc tế; góp phần tích cực quảng bá du lịch, bối cảnh quay phim, hình ảnh đất nước con người Việt Nam, các vùng miền, du lịch và các nét văn hóa Việt Nam để thu hút khách quốc tế. Song song đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phát hành đĩa CD tặng cho khán giả điện ảnh, các công ty du lịch, các đối tác, các nhà làm phim nước ngoài muốn đến làm phim tại Việt Nam nhằm xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh; hướng đến đối tượng là đông đảo nghệ sĩ và khán giả điện ảnh.

Tuy nhiên, khách quan đánh giá, hiệu quả hoạt động quảng bá du lịch thông qua các hoạt động điện ảnh trong gần chục năm qua vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu các hoạt động vẫn chỉ hạn chế ở vài bộ phim tài liệu ngắn và một vài sự kiện điện ảnh như tuần phim, liên hoan phim quốc tế,... Những tác phẩm điện ảnh của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa góp phần định vị nền điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, vừa góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Trong khi đó sự quan tâm của các đạo diễn, nhà sản xuất phim quốc tế đến với Việt Nam dường như đang phát huy ưu thế vượt trội, với các bộ phim nổi bật như “Đông Dương”, “Kong: Đảo đầu lâu”, hay mới đây là phim “A tourist’s guide to love” (tựa Việt: Hành trình tình yêu của một du khách) do Netflix quay tại Việt Nam đã dẫn đầu top thịnh hành toàn cầu... Phần lớn những bộ phim nổi tiếng góp phần đưa hình ảnh của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế là do các nhà sản xuất nước ngoài thực hiện, trong khi phim Việt thì đang có phần lép vé.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao các nhà làm phim nước ngoài có thể thành công khi làm về Việt Nam trong khi chính điện ảnh trong nước xem ra vẫn còn khá dè dặt, thiếu sự bứt phá, chưa có những cách làm sáng tạo. Tất nhiên, các bộ phim góp phần phổ biến rộng rãi về đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới dù là trong nước hay ngoài nước thực hiện, chúng ta cũng đều trân trọng và ghi nhận, song nếu điện ảnh Việt Nam có thêm nhiều những bộ phim đặc sắc đưa hình ảnh đất nước lan tỏa trên toàn cầu thì niềm vui, niềm tự hào của chúng ta chắc chắc sẽ trọn vẹn hơn.

(Còn nữa)