Bài 2: “Trải thảm đỏ” đón các nhà làm phim
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu, Điện ảnh Hà Nội phân tích: Điện ảnh, du lịch đều là những lĩnh vực tương đối độc lập, mỗi lĩnh vực này đều là những hạt vàng, nền tảng của các hạt vàng này là văn hóa. Nhưng vì nó tương đối độc lập, là hạt vàng cho nên dễ rời ra. Từ đây đặt ra yêu cầu có tính tất yếu về sự kết nối giữa các lĩnh vực như du lịch và điện ảnh.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hiệp, sự kết nối này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, sự năng động của các bên mà còn đòi hỏi sự tháo gỡ mạnh mẽ về cơ chế của Nhà nước. Thực tế cho thấy ở Việt Nam, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch thời gian qua thiếu sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, hầu hết mới mang tính sự vụ mà thiếu những dự án, kế hoạch bài bản, dài hơi được triển khai đồng bộ với sự vào cuộc tích cực của cả hai bên.
Thực tế cho thấy ở Việt Nam, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch thời gian qua thiếu sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, hầu hết mới mang tính sự vụ mà thiếu những dự án, kế hoạch bài bản, dài hơi được triển khai đồng bộ với sự vào cuộc tích cực của cả hai bên.
Thí dụ, hầu như các liên hoan phim quốc tế mới chỉ được coi là hoạt động của ngành điện ảnh với các hoạt động chính là chiếu phim, giao lưu, tọa đàm,... trong khi đây thật sự là cơ hội quý giá giúp điện ảnh và du lịch có thể kết hợp cũng như cùng tham gia hợp tác, hay hoạch định đường hướng, kế hoạch hoạt động cụ thể, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Một tác phẩm điện ảnh thành công sẽ tạo ra cảm xúc và khơi gợi cho người xem những mong muốn được trải nghiệm như các nhân vật trong phim, do đó nếu sử dụng tốt công cụ điện ảnh trong việc quảng bá phát triển du lịch thì sẽ tạo thành công cụ rất hữu hiệu.
Như vậy để thực hiện công tác quảng bá Việt Nam thì điện ảnh và du lịch cần phải song hành mới có thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Trong khi Việt Nam chúng ta có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích, di sản văn hóa đặc sắc, bản sắc văn hóa độc đáo,... có nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Do đó, nếu có cách khai thác hiệu quả, điện ảnh sẽ không chỉ là một kênh quảng bá du lịch mà có tiềm năng trở thành một loại hình du lịch đầy triển vọng.
Bên cạnh đó, câu chuyện về cơ chế, chính sách, hợp tác quốc tế trong hoạt động điện ảnh cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thực tiễn cho thấy tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ rất được coi trọng để phát triển điện ảnh, kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh quốc gia.
Theo Báo cáo “Xu hướng Du lịch 2023 của Expedia”, có tới hai phần ba du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh, và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh. Một số thí dụ tiêu biểu như bộ phim “Cô gái có hình xăm rồng” (Girl with Dragon Tattoo) quay tại Stockholm đã góp phần mang lại cho ngành du lịch Thụy Điển khoảng 100 triệu Euro.
Tương tự, bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” (Lord of the Rings) ước tính đã tạo ra 42 triệu USD cho ngành du lịch New Zealand. Tại Việt Nam, các bộ phim như “Chuyện của Pao” (2006), “Cánh đồng bất tận” (2010), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015), “Mắt biếc” (2019), “Em và Trịnh” (2022) thực hiện các cảnh quay ở Hà Giang, Long An, Đồng Tháp, Phú Yên, Huế (Thừa Thiên Huế), Đà Lạt (Lâm Đồng),... đã thu hút nhiều du khách tìm đến nơi đây để trải nghiệm.
Thống kê năm 2018-2019 của Tổng cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch đến địa phương sau khi các phim nêu trên được công chiếu là khá ấn tượng như: Phú Yên tăng 113%, Hà Giang tăng 64%, Quảng Ninh tăng 69%, Quảng Bình tăng 141%...
Lâu nay chính sách “trải thảm đỏ” được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Thiết nghĩ vấn đề “trải thảm đỏ” trong hoạt động điện ảnh, nhất là thu hút các nhà làm phim nước ngoài tìm đến hợp tác với Việt Nam cũng cần được đặt ra. Cách làm hiệu quả từ các nước là những kinh nghiệm hữu ích mà Việt Nam có thể tham khảo và học tập.
Tiêu biểu như Hàn Quốc - quốc gia được đánh giá luôn đi đầu trong việc thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài, đã thực hiện mức tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các cảnh quay tại quốc gia này. Còn Malaysia sẵn sàng hoàn tiền lên tới 30% chi phí sản xuất cho các đoàn làm phim nước ngoài khi đến với “quốc gia trăm đảo”. Thái Lan hoàn thuế 15% cho đoàn làm phim nước ngoài chi tiêu hơn 50 triệu baht tại quốc gia này và thêm 5% nếu đoàn làm phim sử dụng nhân công địa phương và quảng bá hình ảnh tích cực về “xứ sở chùa vàng”.
Lâu nay chính sách “trải thảm đỏ” được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Thiết nghĩ vấn đề “trải thảm đỏ” trong hoạt động điện ảnh, nhất là thu hút các nhà làm phim nước ngoài tìm đến hợp tác với Việt Nam cũng cần được đặt ra. Cách làm hiệu quả từ các nước là những kinh nghiệm hữu ích mà Việt Nam có thể tham khảo và học tập.
Song song đó, nhiều quốc gia cũng có những chính sách quảng bá, hỗ trợ cho điện ảnh như tại Hàn Quốc, trong giai đoạn 1998-2002, Chính phủ đã thành lập Quỹ Quảng bá phim và Quỹ Quảng bá văn hóa, khuyến khích tư nhân đầu tư vào ngành công nghiệp điện ảnh thông qua giảm thuế.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đóng góp một khoản tiền lớn cho việc làm phim địa phương, không phải với tư cách là nhà đầu tư trực tiếp mà là người tham gia các quỹ đầu tư. Chính sự tham gia đóng góp của Chính phủ đã khuyến khích nhiều nhà đầu tư mới tham gia đầu tư tài chính cho điện ảnh, góp phần đưa điện ảnh Hàn Quốc ngày càng lớn mạnh, nhờ đó hình ảnh đất nước cũng được quảng bá hiệu quả hơn.
Cần nhấn mạnh rằng, trong chiến lược xuất khẩu văn hóa, ở giai đoạn đầu, Hàn Quốc tập trung phát triển phim (điện ảnh, truyền hình). Trong 30 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. “Làn sóng Hàn Quốc” thông qua các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, thời trang… thật sự trở thành hiện tượng trên toàn thế giới, không chỉ mang lại những giá trị kinh tế lớn cho xứ sở Kim Chi mà còn góp phần quảng bá thương hiệu quốc gia trên toàn cầu.
Tại Việt Nam thời gian qua, ngành chức năng cũng đã ban hành các chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành điện ảnh và du lịch cũng như triển khai được một số chương trình xúc tiến du lịch-điện ảnh với các quốc gia.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ năm 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2023 có 256 dự án sản xuất phim có yếu tố nước ngoài, gồm các phim hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và nước ngoài, phim của nước ngoài đến Việt Nam thực hiện cảnh quay và do Việt Nam cung cấp dịch vụ sản xuất.
Tuy nhiên, theo TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, mặc dù có những giá trị được ghi nhận, nhưng điện ảnh Việt Nam mới chỉ làm được những việc nho nhỏ, trong phạm vi vừa phải, thậm chí “đến đâu hay đấy”.
Minh chứng là phim Việt Nam rất ít xuất hiện trong mạng lưới phát hành ở nước ngoài, mà hầu như chỉ được biết đến qua một số liên hoan phim quốc tế và khu vực, các tuần phim, tuần văn hóa, và số người được xem phim Việt Nam còn rất khiêm tốn, dẫn đến hiệu quả quảng bá về đất nước cũng chưa tương xứng với tiềm năng.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, thứ nhất là do chúng ta thiếu những bộ phim xuất sắc có thể chinh phục khán giả quốc tế. Thứ hai là vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả từ các ngành chức năng và các cơ quan có liên quan khiến nhiều chủ trương, kế hoạch chưa thể triển khai hiệu quả.
Thí dụ như trong lĩnh vực hợp tác làm phim ở Việt Nam với nước ngoài cũng đang còn tồn tại nhiều vướng mắc như thủ tục có lúc, có nơi còn chồng chéo, có trường hợp được cấp giấy phép quay phim từ Trung ương, nhưng lại mắc về thủ tục tại địa phương, hoặc cơ quan này đồng ý song cơ quan khác chưa phê duyệt; chưa có cơ chế ưu đãi về tài chính; thủ tục xuất nhập cảnh trang thiết bị chậm trễ và phức tạp; dịch vụ liên quan quá trình làm phim nhỏ lẻ và chưa chuyên nghiệp…
Nếu như ở nguyên nhân thứ nhất cần sự nỗ lực, bứt phá của các nhà làm phim, thì ở nguyên nhân thứ hai rất cần phát huy hơn nữa vai trò của Nhà nước trong việc chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành liên quan.
Song song đó, Nhà nước cần có thêm những cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân, cơ sở và doanh nghiệp điện ảnh đưa phim Việt Nam phát hành và chiếu ở nước ngoài dưới mọi hình thức, tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi cho các nhà làm phim nước ngoài đến với Việt Nam, phát huy vai trò của điện ảnh trong nhiều hoạt động hợp tác khác trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, ngoại giao... nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh cũng như đưa thương hiệu Việt Nam đến gần với thế giới hơn.
Để giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam hiệu quả, Nhà nước cần chủ động hỗ trợ, đầu tư phát triển dòng phim “đối ngoại” thay vì trao trách nhiệm cho các nhà làm phim, trong khi phần lớn trong số họ vẫn đang còn loay hoay với bài toán thị trường, doanh thu…; chủ động đặt hàng các nhà làm phim, coi như đây là một cách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vì lợi ích trước mắt cũng như lâu dài trong hoạt động quảng bá đất nước. Việc ứng dụng công nghệ mới, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) để làm phim quảng bá cũng cần được tính đến.
Mặt khác, vai trò chủ động của các địa phương trong việc xây dựng chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các đoàn làm phim để quảng bá cho địa phương mình cũng cần được đề cao.
Hiện nay một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Ninh Bình,... đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa để “trải thảm đỏ” mời các nhà làm phim tìm đến như một cách hiệu quả để quảng bá các cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, đặc sắc văn hóa của địa phương và của Việt Nam đến với đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên không ít địa phương vẫn còn thờ ơ, chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này, người dân không mặn mà khi các đoàn làm phim tìm đến. Cần thấy rằng chỉ khi có sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, sự tạo điều kiện của Nhà nước, sự hưởng ứng của người dân thì việc quảng bá đất nước qua điện ảnh mới đạt kết quả như kỳ vọng.