Qua thực tiễn cho thấy, đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng chính là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động quần chúng, đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc.
Đây cũng là đội ngũ luôn đi đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tích cực vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng trong việc bảo vệ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống mới; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và xóa bỏ những hủ tục. Mặt khác, các già làng, trưởng bản, người có uy tín hầu hết là người dân tộc thiểu số, do đó họ hiểu rõ đặc điểm tâm lý, phong tục đồng bào và dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển vùng dân tộc, những năm qua, Đảng và Nhà nước rất coi trọng việc phát huy vai trò của đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Chủ trương này được cụ thể hóa trong rất nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc, Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, đề án của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số năm 2016, Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023,…
Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và nhấn mạnh sự cần thiết phải chú trọng chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, người có uy tín, trong đó có các già làng, trưởng bản vùng dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Không chỉ ghi nhận, đề cao, mà hơn thế, Đảng và Nhà nước còn luôn tích cực chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện trong thực tế các chính sách chăm lo, xây dựng, trọng dụng, đãi ngộ, phát huy vai trò đầu tàu, nòng cốt của đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc.
Để ghi nhận vai trò, công lao của đội ngũ các già làng, trưởng bản, hằng năm, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đều tổ chức các buổi thăm hỏi, tặng quà, gặp mặt tôn vinh, khen ngợi, biểu dương những tấm gương già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu, có đóng góp tích cực cho cộng đồng các dân tộc trên khắp cả nước. Điều đó nhằm tiếp thêm động lực, sức mạnh, cổ vũ, khích lệ đội ngũ này tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong đời sống cộng đồng, giúp người dân có cuộc sống ngày càng tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc hơn.
Chính vì luôn nhận được sự hỗ trợ, cổ vũ, khích lệ, tôn vinh của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đồng thời nhận thức được rõ vai trò, trọng trách của mình đối với cộng đồng các dân tộc, nên nhiều năm qua, đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác, tích cực, góp phần nâng cao đời sống vùng dân tộc thiểu số và góp phần vào tiến trình phát triển chung của đất nước.
Họ thường xuyên được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm để có thể đảm đương, gánh vác được trọng trách của mình; chủ động, tích cực phát huy vai trò; hướng dẫn, cổ vũ, khích lệ đồng bào học theo, làm theo những định hướng chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước; hăng hái tham gia học tập, lao động, sản xuất, đoàn kết đồng lòng, chung sức xây dựng, phát triển thôn bản, giúp đồng bào các dân tộc dần vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu, đề cử người có uy tín là người dân tộc tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo quản lý là người dân tộc thiểu số ở các cấp, ngành, địa phương ngày càng gia tăng. Như số lượng đại biểu Quốc hội ở nước ta là người dân tộc thiểu số đã tăng liên tục theo từng khóa: Khóa I mới chỉ chiếm 10,2%, thì đến khóa XIII là 15,6%, khóa XIV là 17,3%, khóa XV là hơn 17,8%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ dân số người dân tộc.
Thấy rõ vai trò quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, nhiều năm qua, với mưu đồ chính trị đen tối, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tung các tin đồn thất thiệt nhằm kích động, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các vấn đề liên quan đồng bào dân tộc cũng như việc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Chúng cho rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam "khống chế người có uy tín để phục vụ Đảng", chỉ quan tâm người Kinh, phân biệt đối xử tệ bạc, bỏ rơi đồng bào dân tộc thiểu số; các già làng, trưởng bản thực chất là "cán bộ" người Kinh được sắp đặt, trà trộn vào cộng đồng dân tộc thiểu số để kiểm soát, thống trị, áp bức đồng bào...
Các đối tượng ra sức bôi nhọ Đảng và Nhà nước Việt Nam không hề coi trọng già làng, trưởng bản mà chỉ hô khẩu hiệu để mị dân, rồi lợi dụng, lừa gạt các già làng, trưởng bản để khiến đồng bào nghe theo, từ đó thực hiện âm mưu chiếm đoạt, xâm hại các lợi ích của đồng bào, đẩy cuộc sống của đồng bào rơi vào tình cảnh khốn cùng. Chúng rêu rao rằng, dù nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhưng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn nghèo đói, cơ cực, không có dân chủ, nhân quyền,...
Thậm chí, khi một số cá nhân vì cả tin, nghe lời xúi bẩy của đối tượng phản động, làm những việc sai trái, vi phạm pháp luật, bị chính quyền bắt giữ, xử lý thì bọn chúng lập tức vu khống, bôi nhọ Đảng và Nhà nước Việt Nam đàn áp, bắt bớ, truy bức, tận diệt người dân tộc vô tội, thù ghét, kỳ thị, đối xử tàn bạo với người dân tộc,…
Những luận điệu bịa đặt, vu khống nêu trên không chỉ nhằm vu khống chế độ, làm xói mòn tình cảm, niềm tin của đồng bào với đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín mà nguy hại hơn là cố tình kích động, gieo rắc lòng thù hận trong đồng bào các dân tộc, để từ đó mưu đồ xúi giục, lôi kéo người dân quay lưng với chính quyền, tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, lật đổ chế độ, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy yếu sức mạnh dân tộc,…
Nực cười là trong khi ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt Đảng và Nhà nước Việt Nam dụ dỗ, lừa bịp, mượn tay các già làng, trưởng bản, người có uy tín để "cai trị", "bắt nạt" đồng bào người dân tộc thiểu số thì các thế lực thù địch với âm mưu chính trị xấu xa, thường xuyên ráo riết tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền những quan điểm sai trái, bịa đặt để xúi bẩy già làng, trưởng bản, người có uy tín bất hợp tác, quay lưng với các cấp chính quyền.
Chúng dùng mọi thủ đoạn hòng lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc thậm chí khống chế hòng bắt ép lực lượng này làm tay sai cho đối tượng xấu để thực hiện âm mưu dùng người dân tộc để trị người dân tộc, mượn tay các già làng, trưởng bản, người có uy tín để tiếp tay cho các tổ chức phản động để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, ngăn cản công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, phá hoại cuộc sống bình yên, ấm no của đồng bào…
Cá biệt có đối tượng còn kích động các già làng, trưởng bản "xưng vua", "đón vua", thành lập nhà nước tự trị, độc lập của người dân tộc, lôi kéo đồng bào chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam, "lật đổ chế độ cộng sản người Kinh, đòi lại đất đai, tài nguyên, lợi ích chính đáng cho người dân tộc",...
Thật không may cho chúng, chính các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn hiểu biết, nhận thức được đâu là lẽ phải, sự thật, biết phân biệt người tốt, kẻ xấu, đã lên án mạnh mẽ, vạch trần âm mưu phản động, đen tối đó, kêu gọi đồng bào các dân tộc thiểu số không nghe theo kẻ xấu, đoàn kết cùng nhau xây dựng thôn bản, buôn làng ngày càng tươi đẹp, no ấm, đủ đầy, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số đạt được đến nay đều có dấu ấn, công sức đóng góp rất lớn của các già làng, trưởng bản. Những thành tựu đó cũng là minh chứng sống động cho thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ dành sự quan tâm lớn đến đồng bào vùng dân tộc thiểu số, mà còn đặc biệt coi trọng đề cao, phát huy vai trò của đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc động viên, cổ vũ đồng bào hăng hái tham gia lao động, sản xuất, đồng sức, đồng lòng với Đảng và Nhà nước xây dựng, phát triển thôn bản, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho chính người dân vùng dân tộc thiểu số.