Đang nghe một bài hát bất kỳ, quảng cáo lập tức chen ngang. Trẻ nhỏ đang xem phim hoạt hình, đang chăm chú nghe những bài học đánh vần, quảng cáo cũng “nhảy bổ” vào… Những nội dung quảng cáo ấy chả liên quan gì đến các “đối tượng” đang xem chương trình, với những là chữa bệnh trĩ, tiểu đường, sỏi mật, hen suyễn, viêm xoang, thoái hóa cột sống... Cứ thế, xuất hiện ngang nhiên trên mạng xã hội và để tăng thêm niềm tin, nhiều đối tượng còn cắt ghép video có sự dẫn chương trình của diễn viên, MC nổi tiếng để người xem tin tưởng vào công dụng chữa bệnh của thứ thuốc mà họ quảng cáo mà trên thực tế chưa có cơ quan chức năng xác định chất lượng thuốc. Nhiều đoạn clip quảng cáo còn lấy hình ảnh những bác sĩ danh tiếng rồi chèn vào như một cách “bảo hành” đậm chất lừa mị và rõ ràng là vi phạm pháp luật.
Với cách quảng cáo trực diện và dựa vào thuật toán của mạng xã hội, những người tung ra biết được video nào đang nhiều người xem nên có thể “thả”, “nhúng” quảng cáo ngay lập tức khiến cho những người bỏ tiền quảng cáo “rất hài lòng”. Trong số hàng trăm, hàng vạn người xem, kiểu gì cũng có người tin vào những lời quảng cáo ấy. Nhất là những người cao tuổi đang có triệu chứng bệnh, khi xem những đoạn quảng cáo như vậy, dễ gọi theo số điện thoại trên màn hình để đặt hàng với mong muốn dùng thuốc đông y vừa chữa được tận gốc căn bệnh, vừa rẻ tiền lại an toàn, không phải mất nhiều thời gian đến bệnh viện để khám chẩn đoán bệnh.
Hệ quả của việc tin mua và sử dụng thuốc quảng cáo trên mạng xã hội đã khiến cho nhiều người tiền mất, tật mang. Như mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW đã tiếp nhận cụ bà 73 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, kèm theo tổn thương ở gan và thận rất nặng. Do mắc bệnh viêm khớp đã lâu, điều trị một số nơi chưa khỏi nên bà có sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc… Đây không phải trường hợp cá biệt. Thực tế, thời gian qua, rất nhiều người sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, hoặc các loại thuốc mua qua mạng xã hội đã phải nhập viện điều trị vì “tác dụng phụ”. Riêng Bệnh viện Nhiệt đới TW trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng gần 20 trường hợp cấp cứu vì sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân nhập viện đều có các tổn thương gan, thận; trường hợp nặng thì phải lọc máu cấp cứu.
Ý kiến từ các chuyên gia y tế cũng như các bác sĩ trực tiếp điều trị đều khẳng định, cần phải tăng cường sự kiểm soát của cơ quan chức năng về hoạt động quảng cáo thuốc trên mạng xã hội. Không thể để các “thần y” tự xưng ngang nhiên xuất hiện. Đồng thời, cần có sự chấn chỉnh mạnh mẽ đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội bằng các quy định của luật pháp, để môi trường mạng có thể an toàn hơn, đáng tin cậy hơn.