Bất chấp quy định này, hãng rượu và các nghệ sĩ vẫn công khai quảng bá sản phẩm, thậm chí khuyến khích mọi người “nhậu thả ga”! Ðó chỉ là một trong nhiều thí dụ cho thấy những bất cập trong hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội hiện nay.
Mạng xã hội với nhiều tính năng, tiện ích đang đóng góp vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đồng thời kéo theo những mặt tiêu cực. Ðáng chú ý thời gian qua, các hoạt động kinh doanh trên mạng ngày càng phát triển, nổi lên là xu hướng nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia làm “gương mặt thương hiệu”, quảng bá sản phẩm (phổ biến nhất là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, quần áo, nước hoa). Các hình thức thông dụng là người quảng cáo đăng tải hình ảnh, viết bài đánh giá, livestream (phát sóng và tương tác trực tiếp với người dùng mạng xã hội) về sản phẩm.
Dù hình thức nào thì mục tiêu hướng đến của họ cũng là thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng đối với những mặt hàng được quảng cáo, từ đó sẽ kích thích người xem mua sản phẩm. Ðiều đáng nói là dù dành những lời “có cánh” cho sản phẩm như: hiệu quả nhanh chóng, giá cả hợp lý, không gây tác hại,... nhưng nhiều người quảng cáo chưa hề sử dụng sản phẩm đó.
Cá biệt có những sản phẩm bị cơ quan chức năng phát hiện không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí bị làm nhái, làm giả, nguy cơ gây hậu quả cho người sử dụng là rất khó lường. Do công việc không quá phức tạp, mang lại thu nhập cao, đã có nhiều cá nhân, trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng dành thời gian cho việc quảng cáo và bán hàng trên mạng xã hội. Có nghệ sĩ cho biết đang nhận quảng cáo cho hơn 300 mặt hàng, trung bình mỗi ngày livestream một đến hai lần, đỉnh điểm có khi bảy lần với lượt tương tác hàng chục nghìn người. Với lợi thế là người của “công chúng”, các “sao” dễ thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng đối với những sản phẩm mình quảng bá, kinh doanh. Tuy nhiên, lạm dụng sự nổi tiếng để thu lợi nhuận đang là “con dao hai lưỡi” bởi việc đồng hành với những sản phẩm kém chất lượng, kinh doanh bất chấp hậu quả đang là con đường ngắn nhất để hủy hoại danh tiếng mà chính các nghệ sĩ nỗ lực bao năm mới tạo dựng được.
Không thể không lo lắng trước những thông tin, hình ảnh về hậu quả mà người tiêu dùng phải gánh chịu từ các sản phẩm được rao bán trên mạng xã hội. Thậm chí, có những bệnh nhân đã chết oan vì mua và dùng thực phẩm chức năng bán trên in-tơ-nét thay vì điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, hoặc những tai biến nghiêm trọng từ các dịch vụ, sản phẩm làm đẹp được những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí quảng bá tràn lan. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời giúp truy thu thuế cho ngân sách.
Ðối với các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội cần công khai địa chỉ, đăng ký kinh doanh (nếu có), và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sản phẩm, hàng hóa đang được kinh doanh. Với những người nổi tiếng, cần cân nhắc thận trọng khi hợp tác quảng bá cho một thương hiệu hay sản phẩm nào đó. Về phía người tiêu dùng, cần hết sức tỉnh táo trước “ma trận” quảng cáo, kinh doanh trên mạng để tránh “tiền mất, tật mang”.