Trả lại sự trong lành cho sông Buông

NDO - Chiều 30/3, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cùng Đoàn công tác tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường tại khu vực khai thác đá tại thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu.
0:00 / 0:00
0:00
Sông Buông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do việc rửa cát, đá ven sông.
Sông Buông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do việc rửa cát, đá ven sông.

Kiểm tra tại khu vực các mỏ khai thác đá ở phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa sát sông Buông, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu, các ngành chức năng liên quan của tỉnh và thành phố Biên Hòa giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp.

Riêng việc ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Buông mà Báo Nhân Dân đã nhiều lần phản ánh, sau khi thị sát tình hình, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh, phải trả lại sự trong lành của dòng sông. Không thể vì một đồng tiền thuế mà bắt Nhà nước phải bỏ ra 10 đồng để khắc phục. Do đó, đề nghị các đơn vị liên quan buộc các công ty vi phạm phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra đối với dòng sông này. Đồng thời, xử lý nghiêm minh hành vi gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp tại đây.

Trả lại sự trong lành cho sông Buông ảnh 1

Đoàn kiểm tra tại khu vực khai thác đá bên cạnh sông Buông.

Kiểm tra tại khu vực khai thác đá ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu, doanh nghiệp khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, hạn chế thấp nhất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân khu vực xung quanh. Các ngành liên quan cần thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm; đồng thời tính toán về trữ lượng khai thác đá, bởi Đồng Nai hiện nay và thời gian tới sẽ triển khai hàng loạt dự án lớn cần vật liệu xây dựng. Nếu không tính toán hợp lý sẽ dẫn đến thiếu, như đang xảy ra với cát xây dựng.

Đồng Nai được xem là “thủ phủ” khai thác đá của khu vực phía nam. Trên địa bàn, ngoài cụm mỏ đá Hóa An đã ngưng khai thác, hoàn thổ, Phước Tân và Thiện Tân đang là hai nơi khai thác đá với khối lượng rất lớn, cung cấp cho gần như cho toàn bộ các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Đi kèm với quá trình khai thác, người dân ở hai khu vực này phải “ngậm đắng, nuốt cay” chịu hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác, vận chuyển đá.

Trả lại sự trong lành cho sông Buông ảnh 2

Toàn cảnh một mỏ khai thác đá ở khu vực Phước Tân.

Toàn tỉnh Đồng Nai đang có hơn 40 dự án khai thác khoáng sản, gồm đá và đất được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép còn hiệu lực.