Là người dân sống ven sông Buông hàng chục năm qua, anh Đặng Văn Trung, ở khu phố Miễu, phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa cho biết, trước đây nước sông trong và xanh, gia đình anh và nhiều người dân địa phương vẫn thường dùng để giặt áo quần, thậm chí lấy về sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, nước sông luôn trong tình trạng đục ngầu, đặc quánh. Thêm nữa, ven sông có nhiều bãi vật liệu xây dựng (cát, đá) được hình thành, quá trình rửa cát, xả nước trực tiếp xuống sông từ các bãi này khiến nước sông luôn trong tình trạng đục, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Cùng nhận định của anh Trung, nhiều người dân sống dọc sông Buông cho rằng, nguyên nhân chính khiến nước sông ngày càng bị ô nhiễm là do đoạn qua thành phố Biên Hòa có nhiều doanh nghiệp tập kết vật liệu xây dựng, ngày đêm bơm hút nước từ dòng sông lên để rửa cát, đá. Sau đó, nước thải lại đổ trực tiếp xuống sông, khiến nước sông luôn đục ngầu: “Bây giờ muộn còn hơn không, chúng tôi mong muốn chính quyền và ngành chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các cơ sở gây ra ô nhiễm môi trường, khiến cho sông Buông đứng trước nguy cơ bị bức tử”, ông Đỗ Công Khánh, một người dân sống ven sông Buông đề nghị.
Trước tình trạng sông Buông ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, mới đây, đoàn liên ngành của TP Biên Hòa đã kiểm tra đột xuất các điểm tập kết vật liệu xây dựng dọc con sông này. Qua kiểm tra, phát hiện 7 doanh nghiệp, cơ sở tập kết vật liệu cát, đá không bảo đảm các quy định về môi trường.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, sau khi lập biên bản vi phạm, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bảy trường hợp nêu trên với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Đồng thời tạm đình chỉ hoạt động bến bãi trong thời gian chín tháng đối với ba doanh nghiệp có quy mô lớn. Đồng chí Huỳnh Tấn Lộc cũng cho biết thêm, trước đây, cơ quan chức năng của thành phố Biên Hòa cũng đã kiểm tra nhưng chỉ phát hiện một số hộ cá nhân vi phạm, xử phạt ở mức nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Lần này, chúng tôi đã phát hiện nhiều công ty vi phạm, cùng với hình thức xử phạt ở mức cao còn tạm đình chỉ hoạt động để yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện biện pháp bảo đảm môi trường. Không thể để tình trạng này tiếp diễn, gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài tình trạng rửa vật liệu xây dựng, gây ô nhiễm nguồn nước đối với sông Buông, thì điều khiến nhiều người dân lo ngại là ảnh hưởng hoạt động khai thác của những mỏ khai thác đá trên diện tích khoảng 400 ha ở khu vực cụm mỏ Phước Tân, nơi được xem là “thủ phủ” khai thác đá của tỉnh Đồng Nai và khu vực phía nam hiện nay. Bởi, tất cả các mỏ này đều nằm ở hai bên sườn của sông Buông cho nên nguy cơ biến đổi dòng chảy và ô nhiễm từ quá trình khai thác đá là rất cao.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, khu vực cụm mỏ đá Phước Tân có 10 doanh nghiệp khai thác. Trong đó, mỏ được cấp phép sớm nhất từ năm 1998 và mỏ gần đây nhất vào năm 2010. Tất cả các mỏ đều có đánh giá tác động môi trường và các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện trong phạm vi từng mỏ, còn về đánh giá tác động tổng thể khu vực này cũng như đối với sông Buông gần như còn bỏ ngỏ. Đáng chú ý, các mỏ đá ở cụm Phước Tân được khai thác sâu tới 80 m và hầu hết nằm sát sườn sông Buông, sau khi hết thời hạn khai thác, nhiều khả năng sông Buông sẽ trở thành “dòng sông nổi”. Bởi, khi đó hai bên sườn sông sẽ là những vách đá dựng đứng có độ sâu hàng chục mét.
Như vậy, cùng với việc chấn chỉnh các doanh nghiệp rửa vật liệu, gây ô nhiễm sông Buông, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa cần có những đánh giá tổng thể về những hệ lụy trong quá trình khai thác và sau khai thác của cụm mỏ đá Phước Tân đối với sông Buông. Từ đó, đưa ra các giải pháp để góp phần bảo vệ dòng sông này trước nguy cơ bị “bức tử”.