Hãy cứu lấy sông Buông trước khi quá muộn

NDO -

Sau khi Báo Nhân Dân số ra hôm nay (21/11) đăng bài Sông Buông trước nguy cơ bị “bức tử” đã nhận được nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình cao của cán bộ, người dân ở Đồng Nai; đồng thời đề nghị các ngành chức năng liên quan cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để “cứu” dòng sông nội tỉnh dài nhất Đồng Nai, trước khi quá muộn.

Nhiều bãi tập kết đất, đá để rửa ở ven sông Buông gây ô nhiễm dòng sông nội tỉnh dài nhất Đồng Nai.
Nhiều bãi tập kết đất, đá để rửa ở ven sông Buông gây ô nhiễm dòng sông nội tỉnh dài nhất Đồng Nai.

Khẩn thiết cứu lấy sông Buông

Ông T.V.M, một người dân ở huyện Trảng Bom, nơi có dòng sông Buông chảy qua, sau khi đọc bài báo đã chia sẻ: “Tuổi thơ tôi có thời gian gắn bó con sông này. Khi lớn lên càng quý dòng sông vì giá trị của nó mang lại đối với đời sống kinh tế-xã hội và môi trường của tỉnh Đồng Nai. Do đó, trước nguy cơ dòng sông bị “bức tử”, rất cần sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành có liên quan. Bởi, tình trạng này càng để kéo dài thì hậu quả càng lớn và rất khó khắc phục”.

Còn ông P.T.X, ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, địa điểm nước sông Buông đang bị ô nhiễm nặng nhất từ quá trình rửa cát, đá, bày tỏ: “Hoan nghênh Báo Nhân Dân có tinh thần cao trong việc bảo vệ môi trường đã phản ánh nguy cơ sông Buông đang bị “bức tử”. Tôi khẩn thiết mong các cơ quan có trách nhiêm bảo vệ môi trường ở tỉnh Đồng Nai vào cuộc mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị đánh giá tác động môi trường và cấp phép hoạt động các mỏ đá, cần có sự đánh giá tổng thể từ cụm mỏ đá Phước Tân đối với sông Buông, trước nguy cơ trở thành “dòng sông nổi” từ việc khai thác đá ở khu vực ven sông”.

Cùng quan điểm, anh N.D.H, ngụ thành phố Biên Hòa đề nghị: “Hãy cứu lấy dòng sông Buông trước khi quá muộn. Mong cơ quan chức năng có biện pháp kịp thời để bảo vệ dòng nước trong lành và môi trường sông Buông”...

Thách thức pháp luật

Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, xác định dòng sông có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực phía tây thành phố đang đô thị hóa, phát triển rất nhanh, do đó, thời gian gần đây, ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để “cứu” sông Buông. Bên cạnh một số doanh nghiệp sau khi bị phát hiện, xử lý vi phạm vì gây ô nhiễm nước sông Buông đang khắc phục hậu quả, vẫn còn tình trạng cố tình chây ì, thậm chí cố tình hoạt động như thách thức pháp luật.

Mới đây, kiểm tra thực tế việc chấp hành thực hiện quyết định của UBND thành phố Biên Hòa về việc xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu ngưng hoạt động do hành vi rửa cát, đá gây ô nhiễm nước sông Buông của 7 doanh nghiệp, cơ sở thì phát hiện Công ty cổ phần Toàn Cầu Minh, ở thửa đất số 22, tờ bản đồ 94 và Cơ sở Phạm Anh Vũ tại thửa đất số 32, tờ bản đồ 82, phường Phước Tân, vẫn ngang nhiên hoạt động. Trước thực tế này, ngành chức năng đã lập biên bản về hành vi không chấp hành đình chỉ hoạt động và tiến hành tháo dỡ, tạm giữ máy móc, buộc phải ngưng hoạt động.

Ngoài ra, tại 5 cơ sở, doanh nghiệp còn lại, gồm: Công ty sản xuất thương mại dịch vụ xuất, nhập khẩu Cát đá Chuẩn; Công ty TNHH Nam Hóa An; cơ sở Nguyễn Đức Chinh; cơ sở Nguyễn Minh Đức và cơ sở Lê Quốc Khánh chấp hành ngưng hoạt động, nhưng chưa thực hiện các biện pháp khắc phục thủ tục về môi trường và giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc, các đơn vị liên quan của thành phố và phường Phước Tân sẽ tiếp tục các biện pháp để chấn chỉnh, không để tình trạng các doanh nghiệp, cơ sở tập kết vật liệu xây dựng rửa cát, đá gây ô nhiễm cho sông Buông như thời gian qua. Trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để thụ lý điều tra, xử lý nghiêm tạo sự răn đe chung…