Tôn vinh và nhân rộng những tấm gương “Vượt lên số phận”

NDO - Sáng 27/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp phát động Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VI.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Ban tổ chức và các đơn vị liên quan thực hiện nghi thức khởi động Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VI.
Đại diện Ban tổ chức và các đơn vị liên quan thực hiện nghi thức khởi động Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VI.

Là nguồn động viên lớn đối với những cá nhân yếu thế, vượt mọi khó khăn để trở thành người có ích cho xã hội, Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” sau 5 lần tổ chức đã lan tỏa sâu rộng thông điệp nhân văn trong cộng đồng, tìm ra nhiều tấm gương sáng để giới trẻ noi theo.

Năm nay, Cuộc thi có điểm mới là việc hưởng ứng chủ đề năm 2023 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động về “Chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, tạo không khí thi đua sôi nổi trong tuổi trẻ cả nước, hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028.

Với đối tượng tham gia là tất cả các tầng lớp nhân dân và các đơn vị trường học, cơ quan, tổ chức xã hội, Cuộc thi có nội dung xoay quanh những tấm gương người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt qua số phận cũng như đại dịch Covid-19 để thể hiện ý chí kiên cường, sự năng động, sáng tạo trong lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Cuộc thi cũng hướng tới các tác phẩm viết về gương trẻ tật nguyền vượt khó, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tham gia chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống; tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Ban tổ chức đặc biệt khuyến khích các tác giả là người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi gửi tác phẩm nói về quá trình vươn lên trong cuộc sống của bản thân, nhất là tại địa bàn dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tác phẩm dự thi thuộc các thể loại bút ký báo chí, phóng sự, phóng sự điều tra, bài phản ánh, ghi chép, gương người tốt, việc tốt… có độ dài từ 800 đến 3 nghìn từ bằng tiếng Việt hoặc video clip có độ dài từ 3-5 phút. Tác phẩm viết bằng chữ nổi Braille cần có bản dịch tiếng Việt đi kèm.

Cuộc thi có 1 giải đặc biệt trị giá 15 triệu đồng dành tặng tác giả là người khuyết tật, trẻ mồ côi có tác phẩm viết về bản thân; 1 giải A trị giá 10 triệu đồng; 3 giải B, mỗi giải 5 triệu đồng; 5 giải C, mỗi giải 3 triệu đồng; 3 giải khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng, dành tặng tập thể có nhiều cá nhân với nhiều bài viết chất lượng; 1 giải thí sinh lớn tuổi nhất (hơn 70 tuổi) và 1 giải thí sinh nhỏ tuổi nhất.

Bài dự thi gửi về: Tạp chí Thanh niên, số 5 Chùa Láng (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) hoặc qua địa chỉ email vuotlensophanlan6@gmail.com.

Dịp này, Tạp chí Thanh niên đã ký kết hợp tác góp phần phát triển Tạp chí Nghiên cứu khoa học thanh niên với các đơn vị liên quan; trao hàng nghìn thẻ thư viện số tặng các trường học.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Cuộc thi viết, Ban tổ chức sẽ trao sổ tiết kiệm tặng 1 số cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.